Xây dựng cổng thông tin cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ cho Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết thành lập cổng thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ, lưu thông để lãnh đạo các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể nắm được thông tin nhanh chóng và kịp thời. Hệ thống cổng sẽ cập nhật tình hình, giá cả,…giúp lãnh đạo địa phương nắm bắt tình hình, quan tâm tháo gỡ khó khăn mà người dân, doanh nghiệp gặp phải.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi họp trực tuyến với Tổ công tác 970 của Bộ ở phía Nam và Lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBCSL về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, hiện nay tại các tỉnh phía Nam, lúa Hè Thu đã thu hoạch 820 nghìn ha; năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng 4.645 nghìn tấn. Diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu hoạch còn 690 nghìn ha, đang ở giai đoạn đòng trổ và chín. Với lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400 nghìn ha/700 nghìn ha kế hoạch, đạt 57%.
Về tình hình chăn nuôi, hiện nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động. Trong đó nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu nhập về theo nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000–54.000 đ/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp hơn 10.000đ/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28000 đ/kg (giảm 19,1-19,2%). Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn.
Đối với lĩnh vực thủy sản, hiện nay đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực thu hoạch. Giá cá tra giống rất thấp (21.000-23.000đ/kg); giá cá tra thương phẩm thấp (khoảng 21.000đ/kg); giá tôm xuống thấp gần đây nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.
Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở. Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng chỉ thị 16. Do TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí “3 tại chỗ” rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, về tình hình giá lúa trên địa bàn tỉnh, đã có sự cải thiện khi lên từ 200-500 đồng/kg đối với một số giống lúa nhưng có một số giống lại giảm từ 100-200 đồng/kg. Mặc dù tỉnh đã gửi nhiều văn bản để đề nghị hỗ trợ thu mua nhưng doanh nghiệp thu mua rất ít, giảm 50% so với năm trước. Hiện nay, địa phương đang lo lắng về tiêu thụ lúa Thu Đông với khoảng 1 triệu tấn.
Phản ánh về tình hình sản xuất lúa, theo ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, lúa trên địa bàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch, hiện đã thu hoạch được sản lượng 600 ngìn tấn, đến hết 15/9 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa Hè Thu còn lại với sản lượng 800 nghìn tấn. Đồng thời, với vụ Thu Đông đã xuống giống được 88 nghìn ha, dự kiến thu hoạch đến cuối tháng 9. Với hai vụ này, với sản lượng lúa khoảng 1,3 triệu tấn, sau khi cân đối nhu cầu trong tỉnh với 245 nghìn tấn, còn 1,1 triệu tấn để kết nối tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã giới thiệu 9 doanh nghiệp xuống Kiên Giang để tiến hành thu mua, trong đó có 1 doanh nghiệp đã cam kết thu mua với diện tích 1.000ha.
Đối với TP. Cần Thơ, trên địa bàn Thành phố có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 26 doanh nghiệp xuất khẩu đang hoạt động đảm bảo đủ điều kiện hoạt động tại chỗ, trong đó, công suất cũng chỉ được khoảng 50% do phải thực hiện giãn cách,…nên các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Xây dựng cổng thông tin cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ cho ĐBSCL
Trước tình hình việc lưu thông, kết nối tiêu thụ nông sản tại một số tỉnh ĐBSCL đang gặp khó khăn, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết để vừa thích ứng với thị trường, vừa đáp ứng phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, cần tiếp tục xây dựng kế hoạch dựa trên diễn biến dịch và sau dịch và kế hoạch dài hơi để khắc phục cho đến năm 2022. Đồng thời, tập trung giải quyết vướng mắc trong chuỗi sản xuất từng ngành hàng để tạo lưu thông tốt hơn. Theo Tổ Công tác 970, việc này không chỉ được thực hiện trong tỉnh mà còn cần triển khai trong toàn vùng.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm kiến nghị Bộ trưởng NN&PTNT cần có những tháo gỡ, nhìn vấn đề khó khăn hiện nay không chỉ của An Giang mà còn của toàn vùng ĐBCSL, từ đó, thể hiện được sự liên kết vùng trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, việc kết nối tiêu thụ, lưu thông, vận chuyển…của các địa phương còn khác nhau, chưa đồng bộ, do đó, An Giang đề xuất Bộ NN&PTNT cần có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương để có sự thống nhất về vấn đề này.
Đại diện Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho rằng, các tỉnh thống kê diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch, từ đó, Cần Thơ sẽ gửi cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đễ hỗ trợ cho các tỉnh khác thu mua cho bà con nông dân. Đồng thời, đề xuất các tỉnh ưu tiên cho đội ngũ thu hoạch được tiêm vắc xin phòng COVID-19 để yên tâm hơn; thiết lập đường dây nóng giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. Bởi thực tế, trong việc lưu thông, mỗi chốt của mỗi tỉnh có những điểm quy định ngặt nghèo riêng.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết thành lập cổng thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ, lưu thông để lãnh đạo các địa phương ĐBSCL có thể nắm được thông tin nhanh chóng và kịp thời. Trên hệ thống cổng sẽ cập nhật tình hình, giá cả,…để thông qua đó, giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt tình hình và sẽ có sự quan tâm để tháo gỡ những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải.
Bộ trưởng cũng cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, cần có tư duy liên kết vùng, tiểu vùng với nhau, tỉnh này liên kết với tỉnh kia và nhìn phạm vi trên toàn vùng. Bộ trưởng cũng yêu cầu, Tổ Công tác 970 xác định một thời gian cụ thể trong ngày để các địa phương báo cáo về tình hình giá cả nông sản thời điểm đó để cập nhật kịp thời và đồng bộ.
Bộ trưởng cũng đề xuất, trong thời điểm hiện nay, nên chăng hình thành các nhóm tập hợp đội ngũ thương lái của các địa phương để về lâu dài đưa thương lái vào hệ thống quản lý như một đối tác đồng hành. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong lúc này, chúng ta cần đội ngũ thương lái, nếu như thương lái không vào vận chuyển được thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn.
Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện để có buổi họp giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng tại tỉnh để làm sao gỡ khó vấn đề về vốn, để không chỉ đảm bảo về kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp đảm bảo thu nhập cho người nông dân.