"Giải cứu" nông sản giữa dịch COVID-19: Trông chờ kho lạnh và chế biến sâu
Trước mắt và lâu dài, để “giải cứu” nông sản (kể cả trong trường hợp bất khả kháng như dịch COVID-19) đòi hỏi cần tăng đầu tư mở rộng hệ thống kho trữ lạnh và khâu chế biến sâu. Để khi đầu ra gặp trục trặc thì nông sản vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, thậm chí còn nâng cao giá trị gia tăng.
Tính từ đầu tháng 8/2021 đến nay hơn 500.000 con gà thịt trong tổng số 1 triệu con gà công nghiệp bị tồn đọng ở tỉnh Tây Ninh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 4 đã được “giải cứu”.
Nỗi lo thiếu kho lạnh
Đó là nhờ nhiều doanh nghiệp (DN) và các đơn vị, cá nhân đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tây Ninh cũng như các hộ chăn nuôi gà công nghiệp để mua trữ lạnh và chế biến xúc xích, sấy khô…
Điều này phần nào tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi ở địa phương này khi mà trước đó đã có hàng triệu gà con bị đốt bỏ do không có chuồng nuôi, không thể vận chuyển hoặc không có thức ăn từ những hệ lụy của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nếu so với số lượng đàn gà công nghiệp đang ứ đọng do dịch COVID-19 tại khu vực phía nam đã lên tới 7-8 triệu con (tập trung nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ) thì việc “giải cứu” như ở Tây Ninh vẫn chưa thấm tháp gì. Nhất là khi quy mô các kho trữ lạnh hiện vẫn hạn hẹp, thiếu hụt cơ sở giết mổ, năng lực chế biến sâu còn hạn chế.
Chính điều đó làm cho các hộ chăn nuôi ở nhiều địa phương phải “cắn răng” đốt bỏ số lượng lớn gà công nghiệp vì không thể xuất chuồng, đứt gãy chuỗi cung ứng, phát sinh chi phí thức ăn và nếu để mật độ gà trong chuồng quá lớn sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Còn tại Long An, trong nửa tháng 8/2021 các DN, tổ chức và cá nhân đã tham gia “giải cứu” 15.000 tấn thanh long bước vào thu hoạch rộ tại huyện Châu Thành.
Theo ông Trần Thái Long, quản lý nhà kho Thanh Long Hồng Nguyên Long (đơn vị vừa “giải cứu” 1.000 tấn thanh long ở huyện Châu Thành), đầu ra vẫn khá vất vả khi phía nhà kho còn vài trăm tấn thanh long đang trữ bảo quản trong kho đông lạnh. Không những vậy, chi phí điện để bảo quản trong kho đông lạnh cũng là áp lực lớn.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho biết số lượng thanh long đang trữ ở các nhà kho đông lạnh trên địa bàn huyện Châu Thành cũng còn nhiều, khoảng 5.000 tấn.
Việc thiếu kho lạnh bảo quản cũng là nỗi lo cho việc “giải cứu” thanh long ở Long An trong thời điểm thu hoạch rộ như hiện nay. Trong khi đó, các nông dân, hợp tác xã (HTX) trồng thanh long không đủ vốn để đầu tư kho bảo quản riêng.
Trước đây, ông Trịnh đã từng lưu ý là dù tổng công suất kho lạnh tại Long An đủ cho nhu cầu trữ thanh long, nhưng các chủ kho đồng thời cũng kinh doanh thanh long, vì lý do cạnh tranh nên nhiều thời điểm họ vẫn không cho nông dân, HTX thuê kho.
Hiện nay, giữa tác động của dịch COVID-19 đợt 4 tại các địa phương ở các tỉnh phía Nam, việc “giải cứu” nông sản vẫn đang được thúc đẩy. Nhất là trong tháng 8 này, dự kiến có khoảng 1,1 triệu tấn nông sản (chủ yếu là trái cây) vào mùa thu hoạch, nhưng nông dân và DN đang rất khó khăn về thị trường và xuất khẩu.
Chờ tăng năng lực chế biến
Riêng về rau, củ, quả trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở các tỉnh phía Nam sẽ có hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Trong đó, các loại trái cây có sản lượng lớn đã, đang và sắp cho thu hoạch như: xoài, chuối, sầu riêng, cam, nhãn, khóm (dứa), mít…
Tuy vậy, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận thực tế hiện nay hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản trong nước còn hạn chế.
Cụ thể, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 pallet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).
Với số lượng kho lạnh hiện nay, theo Bộ NN&PTNT thì chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài vấn đề về kho trữ lạnh, năng lực hạn chế của khâu chế biến sâu cũng là một thách thức để có thể “giải cứu” nông sản như trong lúc này. Bởi vì thực tế hiện nay là ngành chế biến trong nước chỉ mới đáp ứng 8-10% sản lượng rau quả sản xuất hàng năm.
Đứng ở góc độ một DN tham gia “giải cứu” nông sản trong nhiều đợt chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T group, cho rằng trước mắt và lâu dài, các DN nên tập trung đầu tư vào khâu chế biến sâu, để khi xuất khẩu trái cây tươi gặp trục trặc thì vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, thậm chí còn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Giới chuyên gia lưu ý, một khi rau quả đã qua chế biến sẽ bảo quản được lâu hơn và khắc phục được tình trạng “được mùa, rớt giá” hoặc “giải cứu” nông sản.
Cho nên, trong giai đoạn 2021 - 2025, để tránh thường xuyên lặp lại chuyên “giải cứu” nông sản (kể cả trong trường hợp bất khả kháng do dịch COVID-19) thì đòi hỏi các DN trong nước cần mở rộng hệ thống kho trữ lạnh cũng như tăng đầu tư cho chế biến sâu.
Không những vậy, một khi tăng được tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu đối với rau củ quả thì việc xuất khẩu vào các thị trường ở xa, khó tính nhưng có giá trị cao như EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ trở nên thông suốt hơn so với rau quả tươi. Bởi lẽ, nếu rau quả đã qua chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thì các thị trường này không đòi hỏi nhiều hoặc dễ dàng vượt qua hàng rào kỹ thuật.