Xây dựng giá dịch vụ y tế trong cơ chế tự chủ bệnh viện


Tự chủ bệnh viện là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới cơ chế hoạt động của bệnh viện công lập phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 20 năm triển khai thực hiện chủ trương này đã có kết quả nhất định, số lượng bệnh viện công lập tự chủ chi thường xuyên đã tăng nhanh, chất lượng cung cấp dịch vụ công được cải thiện tốt hơn, giảm đáng kể chi ngân sách nhà nước...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đặc biệt là sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn bộ tại bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế, đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện tự chủ và thiếu cơ chế xây dựng giá dịch vụ y tế. Bài viết phân tích một số tồn tại, đưa ra nguyên tắc xây dựng giá, phương pháp xác định chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế và đề xuất khuyến nghị.

Đặt vấn đề

Tự chủ bệnh viện là một trong những chủ trương đã được thể hiện trong Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về việc thực hiện tự chủ tài chính đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế, nay được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Sau 20 năm thực hiện, đến nay nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, bệnh viện công lập nói riêng đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên.

Năm 2019, Chính phủ thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai (đã triển khai), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức (chưa thực hiện). Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện thí điểm đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện tự chủ; đặc biệt là thiếu cơ chế chính sách xây dựng giá dịch vụ y tế (DVYT). Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để bệnh viện triển khai tự chủ tài chính.

Tự chủ bệnh viện công lập

Tự chủ bệnh viện công lập là quyền và nghĩa vụ của bệnh viện được Nhà nước giao thực hiện tự chủ về: tài chính; tổ chức bộ máy, biên chế và tổ chức hoạt động chuyên môn. Hiện nay, Nhà nước đang giao quyền tự chủ cho các bệnh viện dựa vào mức độ tự chủ về tài chính để thực hiện các quyền tự chủ khác. Mức độ tự chủ tài chính càng cao thì tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế càng cao và ngược lại.

Tự chủ bệnh viện hiện nay được chia theo 4 nhóm, mỗi nhóm có mức độ tự chủ khác nhau, gồm: Nhóm 1: Tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; Nhóm 2: Tự chủ chi thường xuyên; Nhóm 3: Tự chủ một phần chi thường xuyên; Nhóm 4: Ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Theo nội dung hoạt động, tự chủ tài chính bao gồm ba nội dung chính sau: Tự chủ trong quản lý nguồn thu; Tự chủ trong quản lý chi tiêu; Tự chủ quản lý, sử dụng kết quả tài chính.

Giá dịch vụ y tế

DVYT là các dịch vụ được cung cấp nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng. DVYT là một trong bốn dịch vụ xã hội cơ bản - hệ thống cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người và được xã hội thừa nhận.

Đặc trưng của giá cả, giá DVYT được xem xét trên giác độ của người mua và người bán như sau: Đối với người sử dụng dịch vụ (bên mua), giá DVYT là tổng số tiền phải chi ra để được quyền cung cấp, sử dụng một danh mục kỹ thuật y tế nhất định theo nhu cầu về khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; Đối với cơ sở khám chữa bệnh (bên bán), giá DVYT là tổng số tiền thu được khi cung cấp một danh mục kỹ thuật y tế nhất định cho người sử dụng dịch vụ.

Nguyên tắc xác định giá dịch vụ y tế

Xác định giá DVYT phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Khoa học, khách quan; tính đúng, tính đủ; mức chi phí trung bình và điều kiện áp dụng tiêu chuẩn; chi phi tối đa; chi phi tối thiểu.

Yếu tố ảnh hưởng đến giá dịch vụ y tế

Giá DVYT ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, cơ chế chính sách kinh tế của Nhà nước (Cơ chế, chính sách trao quyền tự chủ cho bệnh viện; Chính sách quản lý giá cả hàng hóa; Chính sách kinh tế xã hội khác).

Thứ hai, nền kinh tế thị trường;

Thứ ba, cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, vật tư, thuốc, hóa chất sử dụng vào quá trình cung cấp DVYT;

Thứ tư, trình độ chuyên môn và năng lực quản trị bệnh viện;

Thứ năm, các nhân tố khác.

Quan điểm trong xây dựng giá dịch vụ y tế hiện nay cần thống nhất

Một là, chưa tính đúng, tính đủ chi phí. Là việc xây dựng giá DVYT chưa tính đủ các tất cả các khoản chi phí cấu thành trong đơn giá sản phẩm DVYT Cơ chế này áp dụng đối với các bệnh viện chưa tự chủ (nhóm 3 và nhóm 4). Ưu điểm của cơ chế này là người sử dụng DVYT được hưởng lợi trong khi nhược điểm, ngân sách nhà nước phải bao cấp thêm cho các bệnh viện và bệnh viện gặp khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính.

Hai là, tính đúng, tính đủ chi phí. Là việc xây dựng giá DVYT tính đúng, tính đủ các khoản chi phí cấu thành trong đơn giá sản phẩm DVYT. Cơ chế này áp dụng đối với các bệnh viện tự chủ (nhóm 1 và nhóm 2). Ưu điểm, tất cả các chi phí cấu thành giá DVYT được tổng hợp tính vào giá DVYT, đảm bảo cho bệnh viện thu hồi đủ số tiền đã chi ra để cung ứng kỹ thuật DVYT cho người sử dụng; Nhược điểm, có thể phát sinh chi phí do bệnh viện sử dụng vào cung cấp dịch vụ, làm tăng thêm chi phí khám, điều trị mà người sử dụng dịch vụ phải chi trả thêm.

Ba là, giá DVYT theo cơ chế thị trường. Cơ chế này chưa được triển khai thực hiện. Theo cơ chế thị trường, giá DVYT chịu tác động của các quy luật nền kinh tế thị trường. Như vậy, giá DVYT phải được tính toán và cung cấp cho người sử dụng ngang giá trị và giá DVYT thay đổi theo giá thị trường được xã hội chấp nhận. Về ưu điểm là đảm báo tính đúng, tinh đủ chi phí kết hợp với yếu tố cạnh tranh để các bệnh viện đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí giá dịch vụ; Về nhược điểm là có thể bệnh viện cắt giảm giá dịch vụ, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp DVYT.

Một số tồn tại hạn chế

Thiếu cơ chế, chính sách pháp lý và văn bản hướng dẫn về quyền hạn và trách nhiệm để bệnh viện thực hiện tự chủ

Chủ trương thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung đã được thể hiện trong Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ, trong đó có các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế, tuy nhiên, đến nay cơ chế chính sách pháp lý để bệnh viện thực hiện tự chủ vẫn còn thiếu. Cơ chế tự chủ bệnh viện hiện nay được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, tuy nhiên đây mới là Nghị định khung, chưa có Thông tư hướng dẫn.

Năm 2019, Chính phủ thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ, trong đó Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai, sau gần 2 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập về thiếu cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để thực hiện tự chủ, còn Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức đến nay chưa thực hiện.

Hiện nay, Bộ Y tế giao quyền tự chủ cho các bệnh viện dựa trên khả năng tự chủ tài chính. Bệnh viện nào có năng lực tự chủ tài chính cao thì sẽ được mức độ tự chủ bệnh viện cao và ngược lại. Điều này chưa đủ để bệnh viện thực hiện tự chủ, vì tự chủ tài chính phụ thuộc nhiều vào tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và tự chủ về hoạt động chuyên môn.  Nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu để đảm bảo cho thực hiện tự chủ bệnh viện như: Cơ chế chính sách xây dựng giá DVYT, cơ chế sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết, hợp tác công tư, cơ chế giám sát, trách nhiệm xã hội của bệnh viện, chính sách về đào tạo và tuyển dụng nhân lực y tế, chính sách thực hiện đơn đặt hàng, chính sách đầu tư cho y tế.

Cơ chế giao quyền tự chủ bệnh viện chưa phù hợp

Hiện nay, việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện dựa vào mức độ tự chủ tài chính. Việc giao tự chủ bệnh viện chưa dựa trên các điều kiện về cơ sở vật chất, yếu tố địa lý, kinh tế xã hội vùng miền, bệnh viện chuyên khoa... Do đó, các bệnh viện có điều kiện tốt về cơ sở vật chất, vị trí địa lý, chuyên ngành "hót", chuyên ngành có tính đặc thù riêng, sẽ có lợi thế phát triển nguồn thu, thì thực hiện tự chủ tốt và ngược lại. Vì vậy, việc thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng nguồn thu do người dân có mức sống thấp, khả năng tiếp cận và sử dụng DVYT hạn chế. Một số bệnh viện chuyên khoa như truyền nhiễm, lao, phong, tâm thần cũng gặp khó khăn trong thực hiện tự chủ do khả năng phát triển nguồn thu hạn chế.

Một số bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện đa khoa tuyến cuối, việc cung cấp DVYT hiện nay vẫn mang tính chất độc quyền, vì mỗi bệnh viện có tính chất chuyên khoa riêng biệt. Khi các bệnh viện tự chủ được quyết định mức giá DVYT cao, thì người dân mắc các bệnh chuyên khoa đó vẫn phải đến bệnh viện đó. Điều này đã tạo lợi thế tăng nguồn thu cho bệnh viện và làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.

Đối với các bệnh viện đa khoa, khi tự chủ sẽ áp dụng giá DVYT cao sẽ làm nhiều bệnh nhân chuyển đến các bệnh viện khác chưa thực hiện tự chủ có giá DVYT thấp. Khi đó, bệnh viện muốn thu hút Bệnh nhân sẽ phải thu giá dịch vụ thấp; điều đó ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện và có thể sẽ làm giảm chất lượng khám chữa bệnh.

Việc giao quyền tự chủ dựa trên mức độ tài chính chưa khuyến kích được các đơn vị nhóm 3 và nhóm 4 phát triển nguồn thu, vì khi bệnh viện phấn đấu tăng nguồn thu thì bệnh viện sẽ bị giảm mức ngân sách nhà nước hỗ trợ, bệnh viện không được hưởng lợi từ nguồn tăng thu tạo ra. Thực hiện cơ chế giao tự chủ, tuy nhiên nhiều nội dung vẫn còn quy định quá cụ thể, bệnh viện chưa được tự chủ thực chất như: Việc quy định sử dụng tài sản công vào hoạt động liên doanh liên kết còn chưa thực chất tự chủ; hay quy định về trích lập các quỹ cơ quan:  Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tối thiểu 25%; Quỹ bổ sung thu nhập đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.

Mặt khác, cơ chế hoạt động của bệnh viện tự chủ và chưa tự chủ còn chưa bình đẳng, thể hiện trong cơ chế giá DVYT. Đối với bệnh viện tự chủ sẽ không còn ngân sách nhà nước cấp kinh phí, nếu bệnh viện thu giá DVYT thấp sẽ không đảm bảo cân đối thu, chi và nếu thu giá DVYT cao sẽ khó cạnh tranh với các bệnh viện chưa thực hiện tự chủ vẫn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí và áp dụng giá DVYT thấp hơn. Vì vậy, nhiều bệnh viện không nhiệt huyết thực hiện tự chủ.

Chính sách xây dựng giá dịch vụ y tế chưa phù hợp với cơ chế thị trường

Giá DVYT chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí; Chính sách xây dựng giá DVYT còn có sự phân biệt khác nhau giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư; Chưa có tiêu chuẩn quy định chất lượng DVYT làm cơ sở xác định giá DVYT.

Trình độ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu

Lãnh đạo bệnh viện hiện nay là bác sĩ, chủ yếu là những người có chuyên môn giỏi, nhưng công tác quản trị bệnh viện về quản lý hành chính, tài chính, nhân sự có những hạn chế nhất định. Khi chưa thực hiện tự chủ, quản lý bệnh viện theo chế độ bao cấp, bệnh viện không cân đối được thu, chi sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù. Khi chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, lãnh đạo bệnh viện cần năng động và nhạy bén hơn trong quản trị bệnh viện để phát triển nguồn thu; quản lý chi phí hiệu quả hơn.

Xác định chi phí

Xác định chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế

Chi phí cấu thành giá DVYT là toàn bộ các khoản chi phí mà bệnh viện phải bỏ ra để hoàn thành việc cung cấp một hay một số danh mục kỹ thuật DVYT cho người sử dụng DVYT. Phân loại theo nội dung kinh tế, chi phí cấu thành giá DVYT bao gồm: Chi phí trực tiếp; Chi phí gián tiếp (chi phí phân bổ); Chi phí hoạt động hành chính; Chính sách thuế của Nhà nước (Thuế thu nhập); Tích lũy theo định mức.

Phương pháp xác định chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế

Xác định chi phí theo định mức kinh tế kỹ thuật.

Phương pháp xác định chi phí cấu thành giá DVYT theo định mức kinh tế kỹ thuật, là phương pháp tính toán chi phí dựa trên các định mức tiêu hao, chi phí về nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư tiêu hao và các hoạt động khác cho công tác khám chữa bệnh trong một điều kiện cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, vật tư tiêu hao ở mức độ trung bình; quy mô khám chữa bệnh của bệnh viện ổn định và trình độ nhân công mức phổ biến, các chi phí khác khối hành chính theo mức độ trung bình chung.

Về ưu điểm, khoa học, độ chính xác cao, đảm bảo tính minh bạch; Về nhược điểm, tính toán phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức.

Điều kiện áp dụng: Áp dụng trong điều kiện quy chuẩn.

Xác định chi phí thực tế bình quân.

Là phương pháp thu thập, phân tích số liệu chi phí cung cấp DVYT thực tế của bệnh viện đã bỏ ra để hoàn thành việc cung cấp một loại DVYT tại đơn vị trong một khoảng thời gian nhất định/số lượng DVYT đó đã thực hiện trong cùng 1 thời gian đó. Về ưu điểm, đơn giản, dễ tính toán; Về nhược điểm, độ chính xác không cao, thiếu tính minh bạch trong xác định chi phí và mỗi một đơn vị cách quản lý khác nhau có thể sẽ có các chi phí cấu thành giá DVYT khác nhau.

Điều kiện áp dụng: Đối với các DVYT đặc thù không thể xây dựng định mức kỹ thuật được và phải tổ chức theo dõi hoạch toán chi phí độc lập hoặc áp dụng phương pháp phân bổ.

Xác định chi phí kết hợp định mức và chi phí thực tế.

Đây là phương pháp kết hợp cả việc áp dụng cách xác định chi phí theo định mức và xác định chi phí theo thực tế. Về ưu điểm, linh hoạt, đáp ứng kịp thời trong việc xác định chi phí; Về nhược điểm, độ chính xác chưa cao.

Điều kiện áp dụng: Đối với những danh mục kỹ thuật phức tạp mà một phương phát nêu trên không thể tính toán được.

Quy trình xây dựng giá dịch vụ y tế

Bước 1: Xây dựng danh mục kỹ thuật DVYT

Bước 2: Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các yếu tố thực hiện DVYT

Bước 3: Xây dựng định mức tiêu hao chi phí thực hiện kỹ thuật DVYT

Bước 4: Xác định phương pháp tính chi phí;

Bước 5: Xác định giá vật tư hóa chất;

Bước 6: Xác định các yếu tố về kinh tế xã hội;

Một số khuyến nghị

Hoàn thiện cơ chế, chính sách trao quyền tự chủ cho bệnh viện

Đối với các bệnh viện đã được Nhà nước đầu tư đồng bộ về cơ sở về vật chất, trang thiết bị cần xem xét giao quyền thực hiện tự chủ, điều đó có nghĩa như Nhà nước đầu tư “Cần câu”, bệnh viện tự “Câu cá”, qua đó làm tăng trách nhiệm tự chủ và phát huy tốt hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư (trừ một số bệnh viện đặc thù các bệnh xã hội hay vùng miền núi, hải đảo).

Đối với việc giao tự chủ bệnh viện cần nghiên cứu đổi mới cơ chế trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ theo định hướng: Tự chủ trong quản lý thu, chi; Tự chủ trong quản lý kết quả tài chính.

Đối với các bệnh viện thuộc nhóm 3, nhóm 4, nghiên cứu thí điểm cơ chế khoán mức độ tự chủ theo từng giai đoạn; Đối với tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế, ban hành chính sách trao quyền tự chủ cho bệnh viện trong tuyển dụng, chi trả lương, thu nhập cho người lao động theo vị trí việc làm và kết quả công việc thông qua hội nghị viên chức của bệnh viện, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, gắn với hiệu quả hoạt động; Đối với tự chủ trong hoạt động chuyên môn, bệnh viện được tự chủ trong việc thực hiện danh mục kỹ thuật DVYT theo năng lực; theo đó Bộ Y tế công bố tiêu chuẩn thực hiện danh mục kỹ thuật, các bệnh viện tự công bố đủ điều kiện thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật, các cơ quan nhà nước thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát.

Ban hành các chính sách đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ lực lượng y tế, chú trọng y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành chính sách y tế, cần được phối kết hợp nhiều Bộ, Ngành tham gia.

Xây dựng chính sách giá dịch vụ y tế theo cơ chế thị trường

Cơ chế, chính sách xây dựng giá DVYT cần đảm bảo các nội dung sau:

- Giá DVYT cần được đưa vào mặt hàng Nhà nước quản lý giá và thống nhất một mức trần giá đối với tất cả các bệnh viện áp dụng. 

- Giá DVYT cần được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hợp lý trên cơ sở định mức chi phí và được xã hội chấp nhận.

- Xây dựng cơ chế quản lý giá cả các mặt hàng về y tế, như chính sách thuế, chính sách quản lý giá cả thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo công khai minh bạch giá đầu vào, đầu ra, qua đó tạo sự ổn định thị trường.

- Quy định tiêu chuẩn chất lượng DVYT làm cơ sở xác định giá DVYT.

Đổi mới cơ chế quản lý tài sản công

Đổi mới cơ chế, chính sách, trao quyền và phân cấp cho các bệnh viện công lập trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đối với việc xác nhận quyền sở hữu tài sản khi các bệnh viện được các tổ chức và cá nhân cho, tặng, tài trợ máy móc thiết bị Nhà nước trao quyền cho các bệnh viện lập hồ sơ tiếp nhận, ghi sổ kế toán, quản lý như tài sản mua sắm và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Đối với hoạt động liên doanh, liên kết của các bệnh viện công lập hiện nay chủ yếu là gắn với hoạt động chuyên môn tại các bệnh viện; do đó khó tách biệt hoạt động liên doanh, liên kết và hoạt động chung của bệnh viện.

Vì vậy, Nhà nước có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục và hướng dẫn xác định giá trị tài sản góp vốn liên doanh, liên kết; giao quyền tự chủ cho các bệnh viện lập đề án, thông qua hội nghị viên chức và tổ chức phê duyệt đề án đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng tài sản hiệu quả cho hoạt động chuyên môn của bệnh viện.

Đổi mới tư duy quản lý và nâng cao năng lực quản trị bệnh viện

Hiện nay, quản lý kinh tế của bệnh viện chủ yếu dựa vào kế toán trưởng, tuy nhiên kế toán trưởng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kế toán, tính toán thu chi, chưa làm được nhiệm vụ tham mưu về kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế bệnh viện. Một số bệnh viện có phó giám đốc kinh tế, nhưng hầu hết các giám đốc làm chủ tài khoản và trực tiếp phụ trách về kinh tế, không giao nhiệm vụ và phân quyền cho phó giám đốc kinh tế, vì vậy vai trò của phó giám đốc kinh tế không được phát huy. Những hạn chế trên dễ xảy ra sai phạm như thực trạng trong các bệnh viện công lập hiện nay.

Khi thực hiện cơ chế tự chủ, trước tiên phải thay đổi tư duy lãnh đạo quản lý, để lãnh đạo bệnh viện phù hợp với cơ chế tự chủ trong nền kinh tế thị trường. Người đứng đầu bệnh viện cần có khả năng xây dựng bộ máy quản lý trung gian tốt, biết ủy quyền, phân công công việc và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các phó giám đốc chuyên môn, phó giám đốc kinh tế.

Phó giám đốc kinh tế phải là người có chuyên môn về kinh tế và chịu hoàn toàn trách nhiệm về kinh tế của bệnh viện, biết tìm nguồn tài chính cho bệnh viện, biết biết vận dụng kinh tế vào y tế để phân tích tài chính trong y tế, để đem lại chất lượng điều trị tốt, có lợi cho người bệnh và có lợi cho bệnh viện, đáp ứng yêu cầu quản lý bệnh viện trong cơ chế tự chủ.

Từ thực trạng trên, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét thực hiện bộ máy quản lý đối với bệnh viện công lập thực hiện tự chủ theo cơ cấu tổ chức: Thành lập hội đồng quản lý, thành viên hội đồng quản lý phải là người có trách nhiệm và quyền lợi gắn với hoạt động của bệnh viện; Chủ tịch hội đồng quản lý làm Bí thư Đảng ủy có vai trò như Tổng giám đốc điều hành về chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển bệnh viện; Ban giám đốc sẽ là các Giám đốc về chuyên môn, Giám đốc về kinh tế để điều hành quản lý bệnh viện và có cơ chế thực hiện kiểm soát giữa chuyên môn và hoạt động tài chính.

Tài liệu tham khảo:

1.Chính phủ (2012), Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập;

2. Chính phủ (2013), Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật giá;

3. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công;

4. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế;

5. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công;

6. Bộ Y tế (2015), Quyết định 3955/2015/TT-BYT ngày 30/11/2018 ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

7.Bộ Y tế (2018), Thông tư số 39/2018/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp;

8. Bộ Y tế (2018), Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp;

9. Bộ Y tế (2018), Công văn số 2704/BYT-KHTC ngày 16/05/2018 về việc định mức làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

10. Bộ Y tế (2019), Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018;

11. Bộ Y tế (2019), Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018.

(*)  TS. Lê Văn Dụng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

(**) Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ1 - tháng 5/2022