Vấn đề đặt ra đối với các trường đại học công lập khi thực hiện tự chủ tài chính
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ đã cụ thể hóa những nội dung của tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó có các trường đại học công lập. Trong quá trình thực hiện, có những vấn đề đặt ra đối với các trường đại học công lập khi thực hiện tự chủ tài chính.
Cơ sở pháp lý
Mặc dù, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã có nhiều điểm tích cực và cụ thể hóa, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ để các trường đại học công lập (ĐHCL) tự mình có thể thực hiện được.
Các trường ĐHCL là các đơn vị mang tính chất hành chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và chưa quen với các thể thức của hoạt động kinh doanh của thị trường khi chuyển sang hoạt động tự chủ cần có những hướng dẫn cụ thể để các đơn vị biết được mình tự chủ thì sẽ phải thực hiện như thế nào cho đúng, như thế nào có thể dẫn đến các rủi ro, các vi phạm.
Vì vậy, rất cần có những hướng dẫn như thông tư, thậm chí tổ chức các hội nghị triển khai, các hội nghị giải đáp, tập huấn đến từng dạng đơn vị một, hướng dẫn cụ thể hóa hơn, giúp cho các đơn vị SNCL thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, có một số quy định trong Nghị định số 60/2021NĐ-CP cũng không thực hiện ngay mà vẫn phải chờ các hướng dẫn của các cơ quan khác. Ví dụ như, chờ hướng dẫn của cơ quan chủ quản, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong xây dựng cơ chế tiền lương…
Vì vậy, rất cần các cơ quan chủ quản, bộ chuyên ngành sớm có các hướng dẫn để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện.
Ngoài ra, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục được giao cho hội đồng trường quyết định. Nhưng trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP việc quyết định giao cho cơ quan có thẩm quyền là cơ quan quản lý cấp trên. Vậy thì cần có một hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là các trường đại học địa phương.
Nguồn tài chính cho giáo dục đại học (GDĐH)
Nguồn tài chính cho giáo dục đại học (GDĐH) còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở GDĐH chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào nguồn NSNN và thu từ học phí (đối với trường đại học công lập), nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế.
Đối với nguồn NSNN chi cho GDĐH: Hệ thống GDĐH của chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn. Nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Nguồn thu sự nghiệp chủ yếu của nhà trường từ nguồn học phí của sinh viên. Tuy nhiên, nguồn thu này đang có xu hướng giảm do tình hình tuyển sinh ngày càng khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt đối với các trường đại học địa phương, nó cũng đặt ra một bài toán khó cho các trường đại học công lập khi xác định mức thu học phí.
Trường đại học công lập đặc biệt là trường địa phương quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ đảm bảo trong phạm vi khung giá, mức giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể giá dịch vụ sự nghiệp công, đơn vị sự nghiệp công thực hiện thu theo mức giá quy định.
Tuy nhiên, để có cơ sở cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về giá dịch vụ công đối với nhà trường, trên cơ sở quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, nhà trường cần xây dựng từ đó tham mưu với UBND tỉnh về giá dịch vụ công đối với từng chương trình cho phù hợp, trong đó có tính đến: chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí tuyển sinh, chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý: hồ sơ, bằng, thẻ học viên… chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia tập huấn và chi phí hợp lý khác; chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư), thuế môn bài và các khoản phí, lệ phí khác, chi phí, quỹ khác.
Trên cơ sở giá dịch vụ công, sẽ tính mức thu học phí của sinh viên đối với từng ngành học. Trong đó, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ và lộ trình tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Các trường đại học tự chủ sẽ được phép tính học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật được hướng dẫn trong thông tư 14/2019/BGD-ĐT, và khi thực hiện tính đúng, tính đủ thì mức học phí thường cao hơn so với mức học phí trước khi tự chủ. Thực tế cho thấy, học phí cho năm học 2020-2021 bậc đào tạo cử nhân tại các trường đại học công lập tự chủ cao hơn từ 2,1 đến 3,5 lần so với các trường đại học không tự chủ.
Việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Một con số thống kê năm 2016 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ sinh viên đại học đến từ các gia đình có mức thu nhập cao là 52% trong khi chỉ có 19% sinh viên đến từ các gia đình có mức thu thấp, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.
Xây dựng mức học phí cũng gặp nhiều khó khăn như:
- Theo Khoản 1 Điều 5, Quy định về Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có tính đến:
+ Chi phí tiền lương: trong thực tế, hệ số lương của các chức danh có sự thay đổi (thông thường 3 năm nâng 1 bậc) và phải tính toàn bộ tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước của những giảng viên tham gia giảng dạy lớp học để tính ra giá dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng; Điều này sẽ khó thực hiện trên thực tế, vì giảng viên có luôn sự biến động.
+ “Trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”, thực tế, ở Trường đại học công lập, việc bố trí phòng học cho các lớp là rất linh hoạt và các phòng học lại có kích thước, trang, thiết bị khác nhau, nên việc này cũng khó xác định trước được..
Lộ trình tự chủ
Tại mục c khoản 4 Điều 35 có quy định nâng mức tự chủ lên; việc này rất khó khăn nếu áp dụng cho Trường đại học địa phương bởi tuyển sinh ngày càng khó khăn, sự cạnh tranh từ các trường đại học vùng, đại học ngoài công lập càng lớn, sớm báo động bão hòa thị trường của hoạt động giáo dục đào tạo đại học. Đặc biệt trong năm 2020, năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mở các lớp, các lớp ngừng tổ chức, các đợt thi bị đẩy lùi thời gian thực hiện, các hoạt động giao dịch bị gián đoạn làm giảm nguồn thu của các đơn vị, nguồn sinh viên không ổn định như khối các trường phổ thông, trường nghề...
Quản lý nội dung chi
Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chủ yếu ưu tiên chi đủ quỹ tiền lương và thực hiện chế độ chính sách cho giảng viên và học viên; mức chi thanh toán cho cá nhân của các đơn vị còn có sự chênh lệch đáng kể. Chính sách chi chưa nhằm tạo ra cơ cấu cân đối giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giảng viên của trường này đã xin chuyển công tác. Nghị định mới chỉ quan tâm đến nguồn thu để phân loại mức độ tự chủ, chưa quan tâm đến mức chi tương ứng.
Vấn đề về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3, Điều 5 của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cho thấy, giá dịch vụ đào tạo vẫn chưa được làm rõ điều này làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ lúng túng vì quỹ tiền lương khi tự chủ ở mỗi mức độ khác nhau.
Xác định chênh lệch thu, chi để trích lập các Quỹ
Chênh lệch thu, chi hàng năm để tạo nguồn cải cách tiền lương 40% số thu là cao, trong khi các đơn vị còn phải chi bổ sung cho hoạt động, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Do đó, việc trích lập được các Quỹ còn khó khăn hoặc mức trích lập rất thấp.