Cơ chế tự chủ tài chính đối với trường đại học công lập

Lê Hoài

Trong bối cảnh mới, tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học. Tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện cho các trường đại học đẩy mạnh tự chủ tài chính.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa được những nội dung của tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Cụ thể đối với các trường đại học (ĐH):

Sử dụng nguồn tài chính

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quy định một số khoản chi đặc thù: Chi học bổng khuyến khích học tập, miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh sinh viên (HSSV)… Chi đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN và được hạch toán vào chi phí hợp lý của đơn vị.

Phân phối kết quả tài chính trong năm

Các trường ĐH cần tự hạch toán các khoản chi, chủ động tài chính để đạt hiệu quả trong giáo dục đào tạo thông qua tinh giảm biên chế để tạo nguồn tài chính, nâng cao thu nhập cho cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên, sử dụng kết quả hoạt động tài chính để lập các quỹ như quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng…

Việc phân phối kết quả tài chính trong năm, các đơn vị có mức độ tự chủ khác nhau cũng được quy định rõ mức trích lập các quỹ khác nhau, đồng thời mức trích cụ thể và quy trình sử dụng các quỹ do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật và phải công khai tại đơn vị.

Yêu cầu tự chủ tài chính

Quản lý tài chính và tự chủ tài chính yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện thu chi theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các khoản thu, phải tổ chức thu theo đúng chính sách của nhà nước quy định, đúng phạm vi và tiêu chuẩn thu, có sử dụng chứng từ thu hợp lệ. Đối với các khoản chi, phải chấp hành các phạm vi chi tiêu và tiêu chuẩn chi tiêu, quản lý chi tiêu chặt chẽ, minh bạch, và tuân theo nguyên tắc chi tiết kiệm.

            Trong tự chủ tài chính đối với các trường ĐH phải đảm bảo cả hai nội dung là quyền hạn và trách nhiệm. Các trường ĐH cần được giao quyền hạn rõ ràng, được phân bổ các nguồn lực phù hợp để cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo (GDĐT) một cách rõ ràng và hiệu quả. Cùng với quyền hạn được giao, các trường ĐH cần phải được giao trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện các dịch vụ đào tạo và nghiên cứu với chất lượng như đã cam kết.

Điều kiện tự chủ tài chính

Cơ sở giáo dục đại học được thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

Đã thành lập Hội đồng trường, Hội đồng Đại học và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học;

Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học; quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đảng ủy và nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế dân chủ; quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định;

Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học;

Xây dựng đề án tự chủ và thực hiện công khai đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Mức độ tự chủ tài chính

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP phân loại mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công thành 4 nhóm:

Nhóm 1: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là những đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị hoặc đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

Nhóm 2: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên là những đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật và những đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí.

Nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được chia thành 3 mức độ: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

Nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là những đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên dưới 10% và những đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

Lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNCL

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên. Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

Sau mỗi thời kỳ ổn định (5 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình như sau:

- Chuyển ít nhất 30% số lượng ĐVSNC tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

- Chuyển ít nhất 30% số lượng ĐVSNC tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang ĐVSNC tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

- Chuyển ít nhất 30% số lượng ĐVSNC tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang ĐVSNC tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Để Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thực sự đi vào thực tiễn, các cơ quan quản lý nhà nước, cần khẩn trương đánh giá, phân loại, xây dựng phương án chuyển đổi các ĐVSNC lập sang thực hiện cơ chế tự chủ hướng dẫn sao cho phù hợp với thực tế hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp, coi như việc triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP là một cơ hội để đột phá, đổi mới tái cơ cấu, sắp xếp lại các ĐVSNCL lập theo hướng năng động và hiệu quả.