Xây dựng hệ thống an sinh xã hội phát triển toàn diện, bền vững ở Việt Nam
Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã được quan tâm,hoàn thiện, đáp ứng cơ bản quyền an sinh của người dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác này đãphát sinh một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục để xây dựng hệ thống an sinh xã hội phát triển toàn diện, bền vững.
Thực trạng phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam có một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) tương đối đồng bộ, toàn diện nhất là các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; bảo hiểm xã hội (BHXH) bù đắp phần thu nhập bị suy giảm khi đau ốm, tai nạn lao động, tuổi già; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) nêu rõ, việc bảo đảm ASXH với một cấu trúc bao gồm: Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; BHXH; Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin).
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”…
Với ý nghĩa đó, ASXH là một trong những yếu tố quan trọng, xuyên suốt
trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Cấu trúc ASXH ở Việt Nam gồm: Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội (BHXH); trợ
giúp xã hội đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản. Đây được coi là nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về ASXH gắn với thực tiễn trong những năm qua.
Mô hình ASXH của Việt Nam đã thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ, đem lại những thành quả ASXH đáng khích lệ, được thế giới công nhận
như thành tích xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế...
Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được thành tựu ấn tượng trong hỗ trợ tạo việc làm và giảm nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ nghèo đa chiều (tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52% với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.
Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động...
Đối với chế độ BHXH, theo thống kê của BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có trên 17,4 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 662 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,998 triệu người, tăng 499 nghìn người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,487 triệu người, tăng 163 nghìn người. Về số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, toàn quốc
có hơn 14 triệu người; tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH cũng được cơ quan BHXH các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, đối tượng thụ hưởng, từ đó góp phần hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19.
6 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH Việt Nam ước giải quyết 37.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết cho 4.386.236 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 499.824 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 368.028 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 8.000 người hưởng chế độ hỗ
trợ học nghề.
Bên cạnh tính ưu việt của chính sách BHXH, trong thời gian qua, chính sách BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số người tham gia BHYT là 90,897 triệu người; tăng 4,358 triệu người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86% dân số.
Lũy kế đến ngày 30/6/2023, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đạt 220.688 tỷ đồng, tăng 21.398 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022… Để đạt được kết quả trên là do thể chế, chính sách ASXH thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn.
Hoạt động xã hội hóa công tác ASXH được triển khai có hiệu quả, từng bước thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, tính tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội.
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc quản lý của BHXH như vận hành thành công ứng dụng “VssID - BHXH số” trên điện thoại thông minh, giúp người dân có thể trực tiếp theo dõi, giám sát và được cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm ASXH ở nước ta vân còn một số tồn tại, hạn chế như: Diện bao phủ ASXH trên thực tế còn hẹp chưa đạt kết quả như kỳ vọng; Việc triển khai các văn bản, chính sách về ASXH vào thực tiễn cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại một số các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Một trong những hạn chế khác là nguồn lực tài chính cho ASXH còn hạn hẹp, mức hỗ trợ còn thấp, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực ASXH chưa tự giác, còn trông chờ vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước; Tỷ lệ lao động tham gia BHXH còn thấp, do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt đối với các đối tượng lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức…
Giải pháp xây dựng hệ thống an sinh xã hội phát triển toàn diện, bền vững
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như tiếp tục phát triển ASXH, bảo đảm người dân được bảo vệ tốt hơn trước các rủi ro về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, rà soát, bổ sung, cập nhật các văn bản pháp luật và thực hiện đánh giá các chính sách ASXH nhằm kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong việc triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Làm tốt điều này sẽ giúp việc triển khai hệ thống chính sách pháp luật về ASXH đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.
Hai là, tiếp tục xây dựng, phát triển ASXH theo hướng đa tầng nhằm khắc phục tình trạng diện bao phủ thấp, mức hưởng thấp, chênh lệch giới trong
thực hiện chính sách an sinh.
Hệ thống an sinh cần dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm,
đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm đất nước tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân hiểu rõ các nội dung liên quan tới các chính sách, pháp luật về ASXH bằng các phương pháp, cách thức phù hợp với từng đối tượng.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về ASXH, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng, trang bị các kỹ năng cần thiết trong quá trình quản lý và triển khai các chính sách về ASXH phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp trong quản lý về ASXH bằng nhiều hình thức, như: Kiểm tra đột xuất, định
kỳ… nhằm phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh kịp thời không gây hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển chung của toàn xã hội.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ sinh thái an sinh số, đảm bảo hệ thống vận hành công khai, minh bạch và kịp thời trong hoạt động hỗ trợ người dân...