Xây dựng khung pháp lý đồng bộ về xuất xứ hàng hóa nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và ngăn chặn gian lận thương mại
Việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý quy định về xuất xứ hàng hóa theo hướng minh bạch và rõ ràng hơn, phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và ngăn chặn hiệu quả gian lận thương mại trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hoá do Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/5 tại Hà Nội.
Thực tiễn triển khai Nghị định 31/2018/NĐ-CP về chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết ngày 08/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Để thực thi chi tiết các quy định trong Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra, xác minh xuất xứ, trách nhiệm của các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ra đời giúp Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho thương nhân vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho thấy các quy định của Nghị định đã góp phần tạo khung pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và tạo điều kiện để thương nhân đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do.
Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 47 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá để hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa được nội luật hóa trên cơ sở tuân thủ quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết về xuất xứ hàng hoá tại các Hiệp định thương mại tự do.
Ông Nguyễn Anh Sơn cũng cho biết từ ngày 01/01/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VK, AK, D, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đang thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử nhanh, hiệu quả. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.
Hoàn thiện hành lang lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, sau 7 năm thực hiện Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA với nhiều quy định, cam kết khác nhau đã phát sinh một số vấn đề mà Nghị định này cần điều chỉnh như: quy trình, thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp C/O, hồ sơ thương nhân, lưu trữ hồ sơ...

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách phù hợp với tình hình mới.
Để đáp ứng các yếu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nhằm hướng tới các mục tiêu sau: Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế. Áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thương nhân xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu quản lý rủi ro, cùng với chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ. Thiết lập cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Nghị định sẽ cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để doanh nghiệp, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành. Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Trần Minh Trang - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 31 gồm 6 Chương, 34 Điều quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Nghị định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, thương nhân và cá nhân có hoạt động liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.
Cũng theo bà Trang, Dự thảo Nghị định thay thế có những điều, nội dung được lược bỏ, sửa đổi, hoặc bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý xuất xứ hàng hóa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế hiện nay. Theo đó, các sửa đổi bổ sung dự kiến về quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và không ưu đãi, về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), về nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất…