Xây dựng kịch bản phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu, trong 4 tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh cần căn cứ tình hình cụ thể của địa bàn để chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tới cấp huyện, xã.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, BHXH Việt Nam đã thành lập 4 đoàn công tác do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với BHXH các tỉnh tại 8 cụm địa phương từ ngày 13/8 - 26/8.
Đoàn công tác của BHXH Việt Nam đã làm việc, đôn đốc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); công tác khám, chữa bệnh BHYT tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng thụ hưởng
Trong thời gian, Đoàn công tác của BHXH làm việc với BHXH các địa phương về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT, Lãnh BHXH các tỉnh đã báo cáo với Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc về những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm 2022 về đôn đốc thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và công tác KCB BHYT..., từ đó đề xuất các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Theo báo cáo của BHXH 63 tỉnh, thành phố, trong điều kiện kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BHXH các tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của BHXH Việt Nam, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trên địa bàn.
BHXH các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cũng như công tác thu và đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT; giải quyết nhanh chóng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH kịp thời triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ Quỹ BHXH, BHTN cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, BHTN…
Với các giải pháp này, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Điển hình như: Tại Hà Nội, hết tháng 7/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố là 91,4% dân số với hơn 7,5 triệu người tham gia, tăng 0,5% so với cuối năm 2021.
Số người tham BHXH bắt buộc đạt trên 1,9 triệu người (chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi), 64.301 người tham gia BHXH tự nguyện, đều tăng hơn 2% so với cuối năm 2021.
Trên 99,9% các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, số còn lại thực hiện giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích.
Để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân Thủ đô, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, Hà Nội còn hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện: 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác, nâng tổng mức hỗ trợ lần lượt của các trường hợp này là 60%, 50% và 20% (tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).
Hay tại TP. Hồ Chí Minh, hết tháng 7/2022, Thành phố có gần 2,5 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 4,1% so với năm 2021; hơn 7,7 triệu người tham gia BHYT; hơn 2,3 triệu người tham gia BHTN.
Tính đến ngày 10/8/2022, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định và thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 2.563 đơn vị. Qua thanh tra, số tiền đã khắc phục của 487 đơn vị đã được thanh tra là 52,7 tỷ đồng.
Trong KCB BHYT, đại diện BHXH một số địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí KCB BHYT của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… đã được BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết.
Cùng với đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên dẫn đến khó khăn trong thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; phát triển người tham gia BHXH, BHYT cũng gặp nhiều khó khăn, do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn…
Ngoài ra, việc thay đổi mức chuẩn hộ nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng, các tỉnh gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương vẫn còn xảy ra phổ biến…
Sáng tạo, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ
Trước các khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, lãnh đạo BHXH Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc đã phân tích, đưa ra các chỉ đạo, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng tỉnh để phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị, trong những tháng cuối năm, BHXH các tỉnh cần triển khai linh hoạt, sáng tạo các giải pháp để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Giao nhiệm vụ cụ thể về thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, Lãnh đạo BHXH Việt Nam và các thành viên trong Đoàn công tác yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT và đưa chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT vào các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đến cấp huyện, xã; ban hành các chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng từ ngân sách địa phương.
Tăng cường các giải pháp để tiệm cận 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Theo dõi dữ liệu hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện số người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo 100% các xã, phường có điểm thu và các điểm thu đều có nhân viên trực.
Trong công tác KCB BHYT, Lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh cần tiếp tục giám sát, tăng cường quản lý chi phí KCB BHYT, kịp thời phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT. Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT.
Thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT kịp thời, đúng quy định; nếu có vướng mắc cần báo cáo BHXH Việt Nam để được xử lý giải quyết, không để cơ sở KCB thiếu kinh phí…
Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; chủ động đề xuất và tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc thu, thu nợ.
Thực hiện linh hoạt các giải pháp không để phát sinh nợ mới, thu nợ cũ; phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý nợ ngay từ sớm khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề nghị, trong những tháng cuối năm, BHXH các tỉnh chủ động, sáng tạo xây dựng kịch bản chi tiết nhằm truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT tới cấp huyện, xã.
Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, trong 4 tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh cần căn cứ tình hình cụ thể của địa bàn để chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT tới cấp huyện, xã.
Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022.