Theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành, từ ngày thực hiện Luật BHXH số 58/2014/QH13 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 (từ năm 2016 đến tháng 6/2022), BHXH tỉnh Đồng Nai đã giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần cho 286.686 lượt người (trong đó 280.950 người hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 93/2015QH13 của Quốc hội), số người hưởng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm gần 10%.
Tư vấn cho người lao động thay đổi quyết định hưởng BHXH một lần tại BHXH tỉnh.
Sau khi chủ động thực hiện nhiều giải pháp, từ tháng 4/2022 số người nhận trợ cấp BHXH một lần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng giảm dần. Cụ thể, tháng 3 có 7.007 người, thì tháng 4 chỉ còn 6.234 người (giảm 11%), tháng 5 giảm xuống còn 5.749 người (giảm 18% so với tháng 3), đến tháng 6 là 5.095 người (giảm 27,3%).
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, đa số người hưởng BHXH một lần là người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm, khoảng 98% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016 - 2021. Đa số người lao động đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH một lần có thời gian tham gia đóng BHXH ngắn. Qua khảo sát, có 2 nhóm nguyên nhân chính là do chính sách và do kinh tế - xã hội.
Theo đó, dù Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 đã xác định đầy đủ ý nghĩa của BHXH là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện về thời gian tham gia và tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.
Song, trên thực tế có một bộ phận người lao động do chưa nhận thức đầy đủ, bị tác động xúi giục đã phản ứng như đình công… Do đó, Quốc hội phải điều chỉnh điều kiện nhận trợ cấp BHXH một lần tại Nghị quyết số 93/2015/QH13: chỉ cần điều kiện sau một năm nghỉ việc hoặc sau một năm không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện, khi có yêu cầu người tham gia BHXH có thể nộp hồ sơ để được nhận trợ cấp BHXH một lần.
Về nguyên nhân kinh tế - xã hội tác động tới việc ra quyết định hưởng trợ cấp BHXH một lần của người lao động như dịch COVID-19 khiến đời sống khó khăn, người lao động cần một khoản tiền chi tiêu sinh hoạt trước mắt trong thời gian tiếp tục tìm kiếm việc làm hoặc để làm vốn kinh doanh tự do. Mặt khác, sự phát triển chưa đồng bộ và hoàn chỉnh của thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay nặng về giải quyết hậu quả khi người lao động thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp...
Tại kỳ họp, các đại biểu cho biết, tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm qua, cùng tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội nói chung và thu nhập của người lao động nói riêng; từ đó đã có nhiều người lao động khó khăn về tài chính, trong hoàn cảnh túng thiếu, rất nhiều người phải bán sổ bảo hiểm hoặc rút BHXH 1 lần.
Số người rút BHXH 1 lần đang ngày càng tăng rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội quốc gia, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước về sau, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động.
Chủ động triển khai n hiều giải pháp
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, quyết định hưởng trợ cấp BHXH một lần hay không là quyền của người lao động. Trước thực trạng số người rút BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng, đại diện BHXH tỉnh cho hay, cơ quan đã thống kê, phân tích và đưa ra các khuyến nghị phù hợp với đặc thù địa phương, kiến nghị xem xét, sửa đổi pháp luật.
Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đã chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan, tích cực truyền thông bằng nhiều hình thức thích hợp với nội dung thiết thực nhằm tuyên truyền, thuyết phục người lao động.
Cụ thể, BHXH tỉnh đã tập trung vào 3 nội dung chính là truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng; cấp mai táng; truyền thông nhấn mạnh những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần và truyền thông về quá trình sửa đổi chính sách BHXH.
Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp nhằm tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người lao động sau khi thất nghiệp tìm được việc làm ổn định, tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội; các cấp công đoàn phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho đoàn viên, người lao động. Tìm kiếm các đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất kinh doanh.