Xây dựng pháp luật về kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm của Đức và bài học cho Việt Nam

Khánh Chi

Là quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, Đức sớm xác định mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), đặt trọng tâm vào nhiệm vụ quản lý chất thải. Vì vậy, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động KTTH của Đức tương đối hoàn thiện. Bài viết đánh giá thực trạng xây dựng pháp luật về KTTH, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến nay, mô hình KTTH đã được thừa nhận rộng rãi và áp dụng thành công tại châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... Trong đó, Đức là nước tiên phong trong việc ghi nhận vấn đề phát triển bền vững vào Hiến pháp Cộng hòa Liên bang, cũng như ban hành đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động KTTH.

Cụ thể, Luật Quản lý chất thải và Chu trình khép kín (được coi là tiền thân của Luật KTTH) đã được Cộng hòa Liên bang Đức được thông qua từ năm 1996. Luật này đưa ra nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và nhấn mạnh tới trách nhiệm của nhà sản xuất, đồng thời thay đổi phương thức điều hành của Nhà nước về quản lý chất thải từ chỉ huy, kiểm soát sang hợp tác và định hướng thị trường.

Việc quản lý chất thải được thực hiện theo chu trình khép kín, đảm bảo mức độ tương thích của chất thải với môi trường nhằm hướng tới một xã hội tái chế. Đồng thời, Đức cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể và liên tục được bổ sung trong nhiều năm để ngày càng tiến gần hơn tới nền KTTH.

Năm 2012, Đức đã ban hành Luật KTTH thay thế cho Luật Quản lý chất thải và Chu trình khép kín. Luật KTTH của Đức đưa nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm công và tư trong quản lý chất thải, cùng hệ thống phân cấp chất thải năm bậc trong đó ưu tiên tái sử dụng hoặc tái chế để hạn chế chôn lấp.

Đặc biệt, Chính phủ Đức chuyển nhiệm vụ quản lý chất thải thành quản lý tài nguyên với quan điểm cho rằng chất thải có thể trở thành nguồn nguyên liệu và năng lượng phục vụ sản xuất.

Luật KTTH gồm 9 Phần, 72 Điều và 5 Phụ lục. Luật KTTH được  ban hành nhằm tạo khung khổ pháp lý toàn diện về KTTH, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy một nền KTTH để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường trong việc tạo ra và quản lý chất thải.

Luật KTTH của Đức có tác động rất lớn tới DN, thúc đẩy DN phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, ngăn chặn phát sinh rác thải, nước thải và khí thải, cải thiện chỉ số hiệu quả môi trường, từng bước hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Người dân Đức cũng tham gia vào nền KTTH qua việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, hạn chế tiêu thụ sản phẩm dùng một lần, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng xanh, tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và đóng góp ý kiến về việc lập kế hoạch quản lý chất thải...

Như vậy, Luật KTTH của Đức đã phát triển một hệ thống kế hoạch hoàn chỉnh, thiết lập mục tiêu thực hiện KTTH theo lộ trình rõ ràng, gắn liền với đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội cụ thể của từng bang. Luật cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào mô hình này. Đây là những gợi ý lập pháp rất quan trọng cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về KTTH.

Từ kinh nghiệp xây dựng pháp luật về KTTH tại Đức, có thể rút ra bài học cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về cách thức xây dụng hệ thống pháp luật về KTTH.

Các quy định pháp luật về KTTH của Việt Nam hiện hành còn khá sơ sài và thiếu tính khả thi, lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý, đan xen, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình áp dụng luật. Do đó, Việt Nam cần sớm nghiên cứu và xem xét ban hành Luật KTTH với tư cách là luật khung, bao hàm các nội dung từ những vấn đề chung từ quản lý tới quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện KTTH, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của DN và người dân trong quá trình vận hành mô hình này... Cùng với đó, Nhà nước nghiên cứu, xây dựng, ban hành từng đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực riêng biệt cấu thành nên nền KTTH.

Thứ hai, ban hành quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà phân phối.

Theo đó, các chủ thể này phải có nghĩa vụ thu hồi, phân loại, tái chế hàng hóa đã qua sử dụng dựa trên sản lượng đã bán ra thông qua việc dán nhãn sản phẩm. Hơn nữa, chi phí xử lý hàng thải bỏ sẽ được cộng vào giá thành sản phẩm mới, có như vậy mới thúc đẩy nhà sản xuất chủ động nghiên cứu, phát triển các mặt hàng thân thiện với môi trường nhằm hạ thấp giá bán, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Mỗi DN cần sớm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn để tư vấn, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc vận hành mô hình KTTH tại đơn vị mình. 

Thứ ba, chú trọng công tác lập kế hoạch về KTTH.

Quá trình này cần sự tham vấn của các bên liên quan, đảm bảo mỗi kế hoạch đều có tầm nhìn trong ít nhất từ 10 đến 15 năm, đồng thời cần đánh giá định kỳ thường xuyên việc thực hiện kế hoạch, để đảm bảo bắt kịp với những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.