Loại bỏ các rào cản trong đầu tư vào kinh tế tuần hoàn
Báo cáo “Tài chính cho kinh tế tuần hoàn (KTTH): Góc nhìn cho những chủ thể tham gia” do Trường Tài chính và Quản lý Frankfurt và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện cho thấy, tiềm năng kinh tế của KTTH là rất lớn, tuy nhiên còn nhiều rào cản trong đầu tư vào KTTH cần được loại bỏ.
Những rào cản trong đầu tư vào kinh tế tuần hoàn
Theo Báo cáo “Tài chính cho KTTH: Góc nhìn cho những chủ thể tham gia”, ở phạm vi toàn cầu, ước tính chỉ có 8,6% nền kinh tế có thể được định nghĩa là tuần hoàn (tính theo tấn nguyên vật liệu sử dụng được tái chế).
Với mức độ tuần hoàn thấp như vậy, Báo cáo Circularity Gap (tạm dịch: Khoảng trống trong KTTH) năm 2021 ước tính tiềm năng của tính tuần hoàn mở rộng có thể đạt 4,5 nghìn tỷ USD tính đến năm 2030 trong sản lượng kinh tế bổ sung đối với các doanh nghiệp tuần hoàn.
Các nhu cầu đầu tư tuần hoàn trên toàn cầu phải đối mặt với những các rào cản đáng kể do những khiếm khuyết thị trường như:
Thứ nhất, những yếu tố ngoại ứng tích cực và tiêu cực chưa được định giá (ví dụ, phát thải khí nhà kính (GHG), những nguy cơ sức khoẻ liên quan, ô nhiễm hoặc suy giảm đa dạng sinh học): Trong nền kinh tế tuyến tính, các chi phí thực tế, bao gồm chi phí môi trường hay rộng hơn là chi phí xã hội của các hoạt động kinh tế, không được hoặc chỉ được phản ánh một phần trong giá cả thị trường. Bất cứ tổn thất nào khi không tính những chi phí đó vào giá cả thị trường, xã hội sẽ phải gánh chịu, không phải người tiêu dùng và cũng như người sản xuất.
Điều này đặt KTTH vào thế bất lợi. Một khoản đầu tư tuần hoàn, có tính đến tất cả các chi phí xã hội của hoạt động sản xuất và tiêu dùng, chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn so với các mô hình kinh doanh tuyến tính chỉ phản ánh chi phí sản xuất một cách đơn thuần. Điều này có thể làm giảm đầu tư vào KTTH.
Thứ hai, thị trường vốn không hoàn hảo (ví dụ: tính ngắn hạn, thiên vị nước nhà, xung đột thị trường thông qua trợ giá): Việc thiếu một thị trường vốn dài hạn và không đảm bảo thanh khoản có thể cản trở đầu tư vào KTTH.
Thứ ba, thiếu thông tin và thông tin bất đối xứng có thể dẫn đến phân bổ vốn dưới mức tối ưu trong nền kinh tế vì điều này có thể ngăn cản các chủ thể tư nhân đưa ra quyết định đầu tư tối ưu.
Thứ tư, những biến dạng thị trường khác, chẳng hạn như tham nhũng và trợ giá cho những ngành khác.
Những khiếm khuyết thị trường đang tồn tại làm giảm khả năng tạo ra lợi nhuận của các hoạt động KTTH, thông qua việc giảm lợi nhuận đầu tư hoặc thông qua gia tăng rủi ro đầu tư đối với các nhà đầu tư. Điều này dẫn đến thiếu hụt đầu tư cho các hoạt động KTTH so với viễn cảnh không có rào cản hoặc không có khiếm khuyết thị trường. Các rào cản làm phát sinh khiếm khuyết thị trường tài chính bao gồm:
Một là, các khoản đầu tư đòi hỏi chi phí trả trước cao đối với đầu tư vào cơ sở hạ tầng tuần hoàn (đặc biệt thách thức đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), vốn nhạy cảm hơn so với các doanh nghiệp lớn)
Hai là, thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế ngân sách và hạn chế trong tiếp cận các cơ sở tín dụng do thiếu hồ sơ theo dõi.
Ba là, thiếu những công cụ hỗn hợp sẵn có (ví dụ, các công cụ giảm thiểu rủi ro).
Bốn là, bất ổn thị trường (ví dụ, tài chính dựa trên lợi nhuận đặt ra yêu cầu về mức độ chắc chắn về khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai của dự án/người thực hiện).
Năm là, bất ổn chính trị: việc thiếu các cam kết đáng tin cậy của các cơ quan công quyền (chính phủ) đang tạo ra thêm rủi ro cho các quyết định đầu tư (dài hạn) đối với các chủ thể tư nhân.
Sáu là, môi trường pháp lý còn bất cập: Các chính sách có thiện chí, dù tham vọng đến đâu, thường thiếu những quy định có hiệu lực thi hành, đồng thời, các cơ quan quản lý còn thiếu kinh nghiệm. Điều này có thể tạo ra thêm sự bất ổn đối với đầu tư tuần hoàn dưới góc độ pháp lý. Ngoài ra, điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), vì các doanh nghiệp này thiếu hỗ trợ về mặt pháp lý và thiếu khả năng thương lượng trong bối cảnh chính trị địa phương. Mặt khác, tiềm năng KTTH có khả năng nằm trong tay các SMEs hơn là các tập đoàn lớn hơn.
Từ góc độ lý thuyết, để tối đa hóa phúc lợi xã hội trong một nền kinh tế mở, các khoản đầu tư tuần hoàn sẽ chuyển sang trạng thái có lãi khi phản ánh đúng các chi phí trong toàn bộ vòng đời sản phẩm và định giá đúng các lợi ích xã hội (ví dụ: xét đến đặc tính KTTH như một hàng hóa công).
Những công cụ tài chính thúc đẩy KTTH
Với thực tế nêu trên, theo Báo cáo “Tài chính cho KTTH: Góc nhìn cho những chủ thể tham gia”, dựa trên các ưu tiên của chính phủ các nước, bao gồm các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) được đặt ra trong Hiệp định Paris, các ưu tiên đầu tư tuần hoàn khác nhau có thể được xác định, một phần từ hàng hoá công và tư - vốn dĩ cần một tổ hợp các công cụ và biện pháp kết hợp - xuyên suốt tất cả các ngành và các dòng nguyên vật liệu đang được quan tâm.
Đầu tư vào KTTH có thể chia thành đầu tư vào “khung xúc tiến KTTH” và đầu tư vào “các tài sản liên quan tới KTTH”, cụ thể:
- Đầu tư vào khung thúc đẩy KTTH bao gồm: đầu tư vào quy định ngành có liên quan, hỗ trợ xây dựng chính sách cho các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính, phát triển kỹ năng, phân tích nhu cầu... Những điều kiện trên quyết định khung thời gian cũng như khối lượng nguồn lực tài chính, kỹ thuật cần thiết. Việc định giá có hệ thống những thiệt hại môi trường khác nhau liên quan đến hoạt động tuyến tính có thể sẽ góp phần thúc đẩy KTTH thông qua những tín hiệu giá cả phù hợp. Do đó, việc điều chỉnh các khung hiện có để nội hóa tốt hơn các chi phí môi trường (ví dụ, thông qua quy định hoặc tiêu chuẩn ngành) và giải quyết những nhu cầu xây dựng năng lực liên quan vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng để có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng, nhằm vượt qua được những rào cản và thất bại thị trường đã được nhận diện từ trước.
- Đầu tư vào những tài sản liên quan đến KTTH: Đầu tư vào tài sản sinh lợi là nghĩa vụ đầu tiên trong hỗ trợ KTTH. Tiếp cận nguồn tài chính phù hợp với những tài sản sinh lợi, thông qua tài chính cho vay theo nguyên tắc KTTH, bơm vốn cổ phần, thỏa thuận cho thuê cũng như các công cụ giảm thiểu rủi ro, đóng vai trò vô cùng thiết yếu. Điều chỉnh tài chính sao cho phù hợp vừa là tận dụng nguồn cung hiện có để nâng cao tính sẵn có, vừa là phát triển các công cụ tài chính trong việc xem xét những xu hướng nhu cầu của các mô hình kinh doanh tuần hoàn và năng lực của các tổ chức tài chính.