Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm mang tên địa danh tỉnh Bắc Ninh
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội trở thành điều kiện tiên quyết trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Các sản phẩm mang tên địa danh sau khi được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm. Bài viết đánh giá thực trạng việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm mang tên địa danh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, qua đó gợi mở một số giải pháp phát triển thương hiệu các sản phẩm mang tên địa danh trên địa bàn Tỉnh.
Đặt vấn đề
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội và trở thành điều kiện tiên quyết trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Hiện nay, tại tỉnh Bắc Ninh các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống mang tên địa danh, đặc biệt là các sản phẩm ẩm thực nổi tiếng đa số vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, thủ công, ít thay đổi về bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, cùng với đó, chưa có biện pháp để quản lý và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nên chưa bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác, các sản phẩm gắn thương hiệu của các làng nghề hiện nay còn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và uy tín của các làng nghề trong Tỉnh, làm hạn chế và kìm hãm sự phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều làng nghề dần mai một. Vì vậy, cần có biện pháp hỗ trợ xây dựng, bảo hộ SHTT, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm mang tên địa danh của địa phương.
Cũng đã có một số sản phẩm mang tên địa danh Tỉnh được bảo hộ SHTT và phát triển dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể nhằm bảo đảm quyền sử dụng chung cho cả cộng đồng, các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Việc hỗ trợ xây dựng, bảo hộ SHTT, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm mang tên địa danh tỉnh Bắc Ninh sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Thực trạng xây dựng và bảo hộ thương hiệu các sản phẩm mang tên địa danh của tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân tộc, mang đậm nét dân gian của vùng đất trăm nghề như: Nghề gốm, đồ gỗ mỹ nghệ, gò đúc đồng, chế biến sắt thép, sản xuất giấy, tranh dân gian, các sản phẩm ẩm thực... Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có hơn 70 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống. Toàn Tỉnh hiện có hơn 14.500 hộ làm nghề, chiếm khoảng 5% số hộ của Tỉnh; gần 77.000 lao động làm nghề, chiếm gần 12% số lao động trong độ tuổi; giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 8% GDP của Tỉnh; thu nhập bình quân của lao động ở các làng nghề đạt 4-4,5 triệu đồng/tháng.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Khoai tây, gạo tẻ thơm, gạo nếp thơm, dưa Gang (huyện Quế Võ), cà rốt, gà Chi Nhị (huyện Gia Bình), tỏi và khoai lang An Thịnh (huyện Lương Tài), gà Hồ (huyện Thuận Thành), gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp cái hoa trắng…
Trên cơ sở những mô hình xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề của Tỉnh do Trung ương hỗ trợ (thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp do Chính phủ thực hiện từ năm 2005 đến nay), trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho 08 làng nghề/sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh, bao gồm: Sản phẩm nông nghiệp như: Gà Hồ - Thuận Thành, Khoai tây Quế Võ, Gạo tẻ thơm Quế Võ; Sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Tre trúc Xuân Lai, Mây tre đan Xuân Hội.
Thực tế chứng minh, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh sau khi đăng ký quyền bảo hộ SHTT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm có xu hướng tăng. Điển hình như: Sản phẩm Gà Hồ, giá tăng 3-4 lần (giá gà con nuôi thương phẩm tăng từ 40.000đồng/con lên 160.000đồng/con, giá gà thịt tăng, trung bình từ 180.000đồng/kg lên 400.000-600.000đồng/kg); Các sản phẩm Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Gỗ Đồng Kỵ... đều tăng giá, trung bình từ 10-15%. Các sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tiêu biểu như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Đồng Đại Bái”, “Gốm Phù Lãng” bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Đài Loan...) đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu và Đông Nam Á; Các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ” bắt đầu được đưa vào hệ thống siêu thị và các công ty chế biến tại các khu công nghiệp; Các công ty, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ Đồng Kỵ trên toàn quốc đa số đã được Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thẩm định và trao quyền sử dụng tên “Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ”, đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ, tránh hiện tượng làm giả, làm nhái...
Các sản phẩm của tỉnh Bắc Ninh sau khi được đăng ký bảo hộ SHTT đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ phải tuân thủ theo quy trình gắn nhãn mác, bao bì chặt chẽ, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc; đồng thời phải đáp ứng những tiêu chí nhất định trong quy trình sản xuất, từ đó luôn bảo đảm chất lượng và gia tăng số lượng hàng tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho các làng nghề.
Mặc dù, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh đã có uy tín, danh tiếng và tên gọi truyền thống từ lâu (thường gắn với địa danh) nhưng số lượng được đăng ký bảo hộ quyền SHTT không nhiều, chưa có sản phẩm ẩm thực nào của Tỉnh được đăng ký bảo hộ. Vì vậy, việc lạm dụng, làm giả, làm nhái hàng hóa của các làng nghề thường xuyên xảy ra, trong khi hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết tình trạng này nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh tiếng của làng nghề. Mặt khác, việc quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm chưa được tập trung đẩy mạnh, nên chưa vươn ra được các thị trường lớn, giá trị sản xuất đem lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và giá trị truyền thống của vùng đất trăm nghề Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Mục tiêu và giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm
Bắc Ninh xác định SHTT có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm mang tên địa danh Tỉnh, cụ thể:
Mục tiêu chung
- Bảo hộ quyền SHTT, bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Tỉnh.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn Tỉnh.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Mục tiêu cụ thể
- Tập trung xác lập quyền SHTT đối với 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, các sản phẩm này được phân thành 03 nhóm: Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; Các sản phẩm ẩm thực mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Tỉnh.
- Thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Tỉnh nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho sản phẩm.
- Quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được bảo hộ.
Với các mục tiêu trên, một số giải pháp cần được đưa ra nhằm quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản mang tên địa danh của Bắc Ninh, cụ thể:
Thứ nhất, đẩy nhanh xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm mang tên địa danh; Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; Xác định phạm vi địa lý bảo hộ của sản phẩm; Xác định mối liên hệ giữa đặc thù của chất lượng sản phẩm với các điều kiện tự nhiên, con người vùng sản xuất sản phẩm mang tên địa danh; Xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền SHTT đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.
Thứ hai, quản lý, khai thác hiệu quả và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm mang tên địa danh. Xây dựng các quy trình khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm; xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; xây dựng và tổ chức áp dụng mô hình quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý, vận hành các quy trình, quy định, tiêu chuẩn; tổ chức đào tạo, tập huấn về mô hình quản lý, các công cụ quản lý…
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm mang tên địa danh. Xây dựng các phương tiện, công cụ nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh cho các tổ chức sử dụng, quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Cụ thể: Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, in ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản lý và sử dụng nhãn hiệu; Xây dựng website, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm.
Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương; tổ chức hội thảo, tập huấn về tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu tại các địa bàn vùng sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản, chủ lực.
Thứ năm, gắn kết xây dựng quy hoạch phát triển nghề, làng nghề các sản phẩm nông nghiệp với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch làng nghề. Đưa các sản phẩm mang tên địa danh vào chương trình phát triển du lịch, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch tâm linh, làng nghề của Tỉnh.
Các sản phẩm mang tên địa danh khi được xác lập quyền SHTT, tổ chức quản lý và quảng bá hiệu quả, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường, sản phẩm đưa vào lưu thông sẽ bảo đảm được những tiêu chí về chất lượng, được gắn bao bì nhãn mác, mã số, mã vạch theo những quy cách được quy định và chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ... sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định “Ban hành đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020” ngày 09/03/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh;
2. Nguyễn Quốc Nghi, Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ, Tạp chí Khoa học 2012:24b 219-228, 2012;
3. Brown, Gordon (1992), People, Brands and Advertising, Warwick UK. Millward Brown International;
4. Crainer, Stuart (1995), The Real Power of Brands: Making Brands Work for Competitive Advantage, London, Pitman Publishing, 82;
5. Hatch, M. J., & Schultz, M. (2001), Are the strategic stars aligned for your corporate brand. Harvard business review, 79(2), 128-134. 13. Marconi, J. (1993), Beyond branding: How savvy markete.