Tỉnh Khánh Hòa:

Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn đầu tiên tại Việt Nam

LH.

(Tài chính) Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn. Đây là Trung tâm nghề cá đầu tiên của cả nước. Mô hình này thành công sẽ nhân rộng lên tại các vùng điểm phù hợp cho phát triển ngành ngư nghiệp của nước nhà.

Ngư dân Khánh Hòa vay trên 800 tỷ đồng đóng tàu đánh bắt xa bờ. Nguồn: internet
Ngư dân Khánh Hòa vay trên 800 tỷ đồng đóng tàu đánh bắt xa bờ. Nguồn: internet

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cả nước sẽ hình thành 5 trung tâm nghề cá ở các vùng trọng điểm. Trong đó, Khánh Hòa được chọn là địa phương để xây dựng trung tâm nghề cá vùng Nam Trung bộ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và đưa vào kế hoạch trung hạn 5  năm 2016-2020 để đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn chỉ định đơn vị tư vấn để lập quy hoạch, lập dự án đầu tư.

Khánh Hòa hội đủ các tiêu chí để xây dựng trung tâm nghề cá:

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khánh Hòa có các điều kiện đầy đủ để có thể phát triền ngư nghiệp thành một trung tâm lớn:
- Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý: Với gần 400km bờ biển, là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề đánh bắt thủy sản theo mô hình lớn do biển có sản lượng cá lớn và có giá trị cao (tổng trữ lượng hải sản thuộc vùng biển Khánh Hoà khoảng 150 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%), cho phép khai thác hàng năm khoảng 70 nghìn tấn); Giao thông thuận tiện, phù hợp cho xuất nhập khẩu với số lượng lớn, có địa thế xây dựng nhiều cảng biển nước sâu...;
- Có khả năng thu hút các nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản. Khánh Hoà nằm giữa hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, là các trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước. Với vị trí địa lý như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Hoà phát triển sản xuất hàng hoá và mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong cả nước và quốc tế;
- Có sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển từ Trung ương tới địa phương;
- Có thể phát huy vai trò kinh tế thủy sản đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với quốc phòng, an ninh, biển đảo: Có hệ thống đảo, đặc biệt là huyện đảo Trường Sa (vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng của cả nước). Việc khai thác ngư trường quanh quẩn đảo Trường Sa vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng; Khánh Hòa có vịnh Cam Ranh, cảng Ba Ngòi, vịnh Vân Phong với các cảng nước sâu trọng điểm. Ngoài ra, Khánh Hòa có khu công nghiệp Suối Dầu thu hút rất nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước;
- Đánh giá độ rủi ro: Hình thành trung tâm nghề cá vùng dựa trên cơ sở thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng... có thể xây dựng những vùng phát triển kinh tế thủy sản năng động, có tốc độ tăng trưởng cao.

 Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 1
Tôm xuất khẩu của Khánh Hòa luôn trong tình trạng phải chịu thuế chống bán phá giá. Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp các doanh nghiệp có thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.

Hình thành Trung tâm nghề cá lớn giúp giải quyết những vấn đề hạn chế hiện nay:
- Dù có rất nhiều lợi thế như kể trên, nhưng do định hướng phát triển ngành nghề thủy sản ở địa phương chưa đủ lớn để tạo điều kiện phát triền ngành nghề này đúng mức. Còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết như:
+ Ngành Thủy sản của vùng vẫn trong tình trạng manh mún, chưa xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của địa phương: Hạ tầng nghề cá được đầu tư dàn trải, tàu thuyền khai thác phần lớn có công suất nhỏ dưới 90CV, chưa phát huy hết tiềm năng đánh bắt của vùng;
+ Hiện, cơ sở hạ tầng nuôi trồng chưa được đầu tư đúng mức: các vùng nuôi trồng thủy sản chưa được quy hoạch chi tiết; khả năng kiểm soát dịch bệnh còn yếu; chất lượng con giống không đảm bảo; hệ thống thủy lợi các vùng nuôi xuống cấp, môi trường ô nhiễm... dẫn đến nghề nuôi trồng đang gặp nhiều khó khăn;
+ Những năm gần đây, do cường độ khai thác ven bờ quá lớn, trong khi công tác tái tạo không đáng kể nên nguồn lợi ven bờ ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác hải sản ven bờ đã vượt mức bền vững;
+ Giá trị ngành Thủy sản tại địa phương chủ yếu vẫn từ khai thác thuần về tài nguyên, chưa đầu tư để tạo ra giá trị gia tăng;
+ Hệ thống vật chất kỹ thuật, thiết bị công nghệ của các nhà máy chế biến còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ... do vậy, thu về thủy sản không được như kỳ vọng và tiềm năng.
+ Trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề người lao động còn yếu, chưa đảm bảo duy trì và phát triển nghề theo hướng công nghệ cao...
- Việc xây dựng một Trung tâm nghề cá lớn chính là để giải quyết các vấn đề nêu trên, trong đó, giải quyết vấn đề nguồn lực tài chính và nhân lực con người, giải quyết vấn đề duy trì nguồn hải sản là vô cùng quan trọng. Khi phát triền đồng loạt các vùng cá theo mô hình Trung tâm nghề cá lớn thì các địa phương có tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển, sẽ có sự lan tỏa kinh nghiệm và chia sẻ trí thức, huy động nguồn lực... trong hoạt động đóng tàu, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, xuất khẩu sang các thị trường lớn.
- Khánh Hòa cũng như các tỉnh có vị trí địa  lý tương đồng (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển các trung tâm nghề cá theo hướng bền vững.
Hình thành trung tâm nghề cá lớn là bước đi đúng đắn, giúp phát triển  ngư nghiệp theo hướng làm ăn lớn, thành một chuỗi cung ứng, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu,... không những giúp cải thiện đời sống cho ngư dân, phát triển kinh tế địa phương mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng thêm vững chắc. Vấn đề là cần có cơ chế cụ thể về tài chính, thương mại, cơ chế huy động vốn, cơ chế đầu tư.... thuận lợi để địa phương có thể chủ động xúc tiến và xây dựng Trung tâm nghề cá lớn này.