Xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý thuế, hải quan phù hợp với thực tiễn

Huy Nguyễn

Hiện nay, công tác quản lý thuế, hải quan và quản trị logistics ở các doanh nghiệp vô cũng khó khăn, phức tạp, do đó, cần được nghiên cứu cải tiến thường xuyên cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng cao hiệu quả quản lý.

PGS. TS. Lê Xuân Trường phát biểu tại Hội thảo.
PGS. TS. Lê Xuân Trường phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 7/11/2024, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách và quản lý Thuế, Hải quan, Logistics”.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan cho biết, quản lý thuế là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong quản lý tài chính nhà nước, bởi lẽ, thuế nội địa và thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là 2 lĩnh vực chủ yếu của thu ngân sách nhà nước.

Quản lý thuế không chỉ đảm bảo nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, mà còn có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Quản lý thuế tốt giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đồng thời, đảm bảo phát huy vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế.

Ở Việt Nam, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là 2 cơ quan thuộc Bộ Tài chính, có chức năng trực tiếp quản lý thuế. Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế rất quan trọng là logistics, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong GDP.

PGS.TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh, năm 2024, bối cảnh kinh tế toàn cầu đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế có độ mở lớn như kinh tế Việt Nam. Xung đột quân sự giữa một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng với những bất ổn địa - chính trị, thiên tai và biến đổi khí hậu... góp phần làm cho tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu thêm phức tạp. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 và nửa đầu năm 2024 đã có những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Thị trường tài chính trong nước phục hồi, gia tăng kỷ cương, kỷ luật và lành mạnh hóa các hoạt động thị trường.

Trong bối cảnh đó, chính sách thuế, hoạt động quản lý thuế, hải quan cần điều chỉnh phù hợp để phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách quản lý nhà nước khác nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước là một chủ đề rất quan trọng cần được thảo luận cả từ các nhà quản lý và các nhà khoa học.

Chia sẻ về vai trò của chính sách thuế trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Chiến – Phó trưởng khoa Thuế và Hải quan khẳng định, thời gian qua, hệ thống chính sách thuế Việt Nam đã có tác động tích cực đối với việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các quy định cụ thể trong các sắc thuế đã thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế như một công cụ quan trọng để quản lý, điều tiết kinh tế, đồng thời, cũng làm cho chính sách thuế Việt Nam gắn với thực tiễn hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế và có tác dụng rõ rệt hơn trong thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Chiến, bên cạnh những kết quả đạt được, xem xét đến việc thực hiện vai trò quản lý, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định, bền vững, chính sách thuế Việt Nam hiện hành còn có một số điểm hạn chế. Cụ thể là, hệ thống chính sách thuế Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về thực hiện chức năng huy động nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế; mức độ điều tiết của một số sắc thuế chưa thực sự hợp lý, chưa phát huy hết vai trò trong quản lý, điều tiết, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các quy định về đối tượng, trường hợp, thời hạn và mức độ ưu đãi thuế trong các sắc thuế liên quan đến thúc đẩy kinh tế phát triển và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường… còn phức tạp, khó xác định, làm giảm hiệu quả của nội dung chính sách.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho mục tiêu phát triển kinh tế, các chính sách thuế cần tiếp tục hoàn thiện để phát huy hết vai trò trong quản lý, điều tiết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, tình hình chính trị - an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, việc kiểm soát, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, ngành Hải quan có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch; đồng thời góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với vai trò đó, Hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đấy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Hiện, Hải quan Việt Nam đang thực hiện kết nối với các bộ, ngành trong khuôn khổ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tạo thuận lợi thương mại cũng như kết nối với hải quan các nước có đường biên giới với Việt Nam. Đồng thời, hướng đến hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh theo định hướng của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ cơ chế, đến từng khâu nghiệp vụ hải quan; tiếp tục chuyển đổi số sâu rộng theo hướng xây dựng hải quan chính quy, hiện đại, thông minh, ngang bằng các nước phát triển theo đúng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận vào các vấn đề như: Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; Khuyến nghị, đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý thuế thương mại điện tử; Những rủi ro thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập toàn cầu; Định hướng và các giải pháp hoàn thiện các chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng..