Xây dựng và vận hành thị trường các-bon ở một số quốc gia trên thế giới

Khánh Chi

Xây dựng và vận hành thị trường các-bon trong nước, từng bước kết nối với thị trường quốc tế là giải pháp toàn diện được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn để hoàn thành mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới hiện thực hóa nền kinh tế xanh.

Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải của Liên minh châu Âu là thị trường mua bán quyền phát thải lớn đầu tiên và lớn nhất thế giới, với 31 quốc gia thành viên.
Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải của Liên minh châu Âu là thị trường mua bán quyền phát thải lớn đầu tiên và lớn nhất thế giới, với 31 quốc gia thành viên.

Thị trường các-bon ở EU

Vào tháng 3/2000, Ủy ban châu Âu đã trình một báo cáo về “Mua bán khí thải nhà kính trong EU” với ý tưởng về việc thiết kế thị trường mua bán phát thải tại Liên minh châu Âu (EU ETS). Từ đây, các cuộc thảo luận liên quan được tiến hành nhằm định hình về EU ETS trong giai đoạn sơ khởi, Chỉ thị về việc xây dựng EU ETS năm 2003 đã được thông qua và thị trường mua bán phát thải của EU đã được hình thành chính thức vào năm 2005. 

Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải của EU là thị trường mua bán quyền phát thải lớn đầu tiên và lớn nhất thế giới, với 31 quốc gia thành viên (gồm 28 quốc gia thành viên EU cộng Iceland, Liechtenstein và Na uy), 11.000 doanh nghiệp (các nhà máy điện, cơ sở sản xuất công nghiệp) và các hãng hàng không hoạt động giữa các quốc gia này.

Thị trường này hiện được xem là nền tảng trong chính sách về môi trường của EU với mục tiêu chính là giảm lượng khí thải CO2 và góp phần thực hiện mục tiêu tại Hiệp định Kyoto, đồng thời đảm bảo được tính hiệu quả về mặt chi phí. Theo phân tích của công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, năm 2022, EU ETS trị giá khoảng 751 tỷ EUR, tăng 10% so với năm 2021 và chiếm khoảng 87% tổng giá trị của thị trường các-bon toàn cầu.

EU ETS giới hạn phát thải của hơn 10.000 nhà máy trong lĩnh vực năng lượng và ngành công nghiệp sản xuất cũng như các công ty vận hành máy bay di chuyển giữa các quốc gia này và khởi hành đến Vương quốc Anh, Thụy Sĩ. Lượng phát thải trao đổi trên EU ETS chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải của EU.

Do đó, EU ETS là một phần quan trọng trong chính sách chống biến đổi khí hậu của EU và cũng là công cụ chính của khối này để giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất.

Hệ thống mua bán phát thải Trung Quốc

Theo nghiên cứu của Swartz (Jeff Swartz, 2016, tr.22), Trung Quốc đã thí điểm hệ thống giao dịch phát thải riêng từ tháng 10/2011 - 7/2015. Các trường hợp thí điểm được triển khai ở 5 thành phố và 2 tỉnh có đóng góp đến 26,7% GDP của Trung Quốc năm 2014 (Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Quảng Đông và Thâm Quyến). Kết quả của quá trình thí điểm là 57 triệu tấn các-bon đã được mua bán.

Cả 7 trường hợp thí điểm đều do địa phương tự thiết kế dựa trên khung hợp tác ba bên gồm có Ủy ban Phát triển và Cải cách địa phương (DRCs), các đơn vị mua bán quyền phát thải địa phương và các chuyên gia có uy tín trong giới học thuật. Tất cả đều xác định những mục tiêu giảm phát thải (dựa trên cường độ), ngưỡng phát thải cho phép, phạm vi đối tượng áp dụng và các năm cơ sở (Jeff Swartz, 2016, tr.10).

Sau giai đoạn thí điểm, ngày 19/6/2016, Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung ương (NDRC) của Trung Quốc đã ban hành thông tư hướng dẫn triển khai hệ thống ETS Quốc gia cụ thể gồm: Luật Quản lý kinh doanh, giao dịch quyền phát thải các-bon (2020); Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Trung Quốc (2015); Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm lần thứ 13 (2016) (Bộ TN&MT, 2021, Báo cáo thuyết minh Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam). Mục tiêu giảm phát thải của ETS Trung Quốc được xác định ở dạng “mật độ các-bon” (carbon intensity) trong nền kinh tế, khác với cách xác định bằng giá trị tuyệt đối lượng khí nhà kính như trong hệ thống của EU.

Trong khi EU nỗ lực giảm lượng khí nhà kính phát thải thì Trung Quốc giảm tỷ lệ phát thải các-bon so với mức tăng trưởng kinh tế. Một điểm khác biệt với EU ETS, cơ chế của ETS Trung Quốc là phân bổ miễn phí trong giai đoạn đầu để hạn chế tình trạng “rò rỉ các-bon” như bài học từ châu Âu và định hướng tiến dần đến bán hạn mức từ sau năm 2020. Tuy nhiên, do còn trong bước đầu vận hành nên Trung Quốc còn phân bổ dư thừa số lượng hạn mức (giấy phép phát thải) miễn phí nên tính thanh khoản và thị trường giao dịch chưa hiệu quả.

Bên cạnh việc được phép trao đổi hạn mức, các doanh nghiệp có thể mua bán phần mức bù đắp dưới dạng chứng chỉ giảm phát thải của Trung Quốc (C-CERs) do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia phát hành.

Hệ thống mua bán phát thải Mỹ

Hiện nay, Mỹ đang duy trì vận hành 3 hệ thống ETS do các bang của Mỹ xây dựng và vận hành khá hiệu quả, bao gồm: (1) Chương trình Thương mại phát thải California; (2) Hạn chế phát thải từ các nhà máy điện của Massachusetts và (3) Sáng kiến vùng về khí nhà kính.

Ngoài ra, một số ETS đang trong quá trình phát triển hoặc đang được cân nhắc triển khai như: Sáng kiến vận tải và khí hậu TCI; Pennsylvania; Virginia; New Mexico; New York; Bắc Carolina; Oregon và Washington. Trước hết, đánh giá về 3 hệ thống đang được vận hành tại Mỹ:

Sáng kiến về Khí nhà kính khu vực (RGGI) là hệ thống ETS đầu tiên của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng với sự tham gia của các Bang: Connecticut; Maine; Maryland; Massachusetts; New Hampshire; New Jersey; New York; Rhode Island; Vermont. Triển khai từ năm 2009 với 10 bang theo Biên bản ghi nhớ chung về RGGI năm 2005.

ETS California được triển khai đầu tiên vào năm 2012, Chương trình thương mại phát thải California được bắt đầu từ Sáng kiến Khí hậu Khu vực phía Tây từ năm 2007. Tới nay, chương trình này của California đã bao quát gần 80% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ. Cơ sở pháp lý để hình thành và vận hành ETS California là Đạo luật về giải pháp ứng phó tình trạng ấm lên toàn cầu năm 2006 của Bang (Global Warming Solutions Act of 2006 - AB 32); Đạo luật sửa đổi AB 398.

ETS Massachusetts được triển khai vào năm 2018 áp dụng cho lĩnh vực năng lượng điện, hệ thống này cùng với RGGI góp phần giúp Massachusetts đạt được mục tiêu giảm phát thải của bang. Năm 2016, thông qua một phán quyết của Tòa án tối cao bang Massachusetts, chính quyền bang có nghĩa vụ thúc đẩy để bang đạt mục tiêu cắt giảm 25% phát thải vào năm 2020 và 80% vào năm 2050 (so sánh với năm 1990).

Văn phòng thực thi về Năng lượng và Môi trường cùng Cơ quan Bảo vệ môi trường bang Massachusetts là những đầu mối triển khai chương trình này. Cơ sở pháp lý của chương trình này là Quy định về giới hạn phát thải của các cơ sở phát điện.