Phát triển thị trường các-bon góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

PV.

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon.

Xây dựng thị trường các-bon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Xây dựng thị trường các-bon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thuật ngữ thị trường các-bon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto 1977 của Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Cụ thể, theo Điều 17, Nghị định thư Kyoto 1997, thị trường các-bon được hiểu là các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện một loại hàng hóa mới được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do các-bon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Cụ thể, Điều 139, Luật Bảo vệ môi trường quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường các-bon trong nước.

Bên cạnh đó, cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường các-bon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được phép trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia thị trường các-bon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 139, Luật Bảo vệ môi trường cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước.

Theo các chuyên gia môi trường, xây dựng thị trường các-bon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và sẽ thực hiện trách nhiệm quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, chủ yếu thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm những cam kết đóng góp bắt buộc về giảm phát thải khí nhà kình. Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon.

Để hình thành và phát triển thị trường các bon ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm xác định hướng đi cho thị trường các-bon theo hướng tự nguyện hay bắt buộc. Hầu hết các quốc gia đều hướng tới cả hai thị trường này. Tuy nhiên, thị trường tự nguyện đòi hỏi các bên liên quan, cả trong và ngoài nước, phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn các-bon tự nguyện. Đây là một yêu cầu khá phức tạp trong việc thẩm định hồ sơ, đặc biệt trong bối cảnh hành lang pháp lý trong nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong khi đó, tham gia thị trường các-bon bắt buộc, đòi hỏi sự nhất quán cao về phương pháp và quy trình quốc tế. Tuy nhiên, đây là yếu tố quan trọng để tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam cần tính đến các vấn đề khác như: hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền các-bon/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải; Tính kết nối giữa thị trường nội địa và quốc tế...