Trao đổi về chính sách thuế, phí, lệ phí trong vận hành thị trường các-bon

PV. (t/h)

Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường các-bon và chưa có hệ thống chính sách tài chính để thiết lập và vận hành thị trường các-bon. Tuy nhiên, để quản lý vận hành thị trường này, Việt Nam cần nghiên cứu, ban hành chính sách thuế đối với giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon, chính sách phí, lệ phí đối với giao dịch và đấu giá hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon.

Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon.
Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon.

Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon

Theo Điều 139, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, tổ chức và phát triển thị trường các-bon, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước.

Theo Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ, thì giai đoạn đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Bên cạnh đó, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việt Nam cũng sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Giai đoạn từ năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Nghiên cứu xây dựng chính sách thuế, phí lệ, phí trong vận hành thị trường các-bon

Chính sách thuế đối với giao dịch hạn ngạch phát thải, chính sách phí, lệ phí đối với giao dịch và đấu giá hạn ngạch phát thải là một trong những nội dung quan trọng của chính sách tài chính đối với thị trường các-bon.

Kinh nghiệm của Anh và EU cho thấy, giao dịch hạn ngạch phát thải trên thị trường các-bon tại đều thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất phổ thông, thông thường. Nguyên tắc xác định lợi nhuận (hoặc lỗ) từ giao dịch hạn ngạch phát thải tại Anh và EU là như nhau, đều lấy doanh thu bán hạn ngạch phát thải trừ chi phí mua hạn ngạch phát thải.

Theo nghiên cứu của Đào Trần Khánh - Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), phí giao dịch hạn ngạch phát thải tại Anh được phân loại theo 03 loại nhà giao dịch gồm: Nhóm A ứng với các nhà giao dịch nhỏ, nhóm B ứng với các nhà giao dịch vừa, và nhóm C ứng với các nhà giao dịch lớn. Trong khi đó, EU thu phí giao dịch theo đơn vị 1000 hạn ngạch phát thải với mức phí giao động từ 2,5 Euro đến 3,9 Euro tùy từng nước trong khu vực EU. Mức lệ phí trúng đấu giá (tương ứng với 2 lô hoặc 1000 hạn ngạch phát thải) tại Anh và Bắc Ireland là 4,68 Euro, Đức là 3,50 Euro, Ba Lan và các quốc gia khác trong EU là 4,68 Euro.

Ngoài ra, ở Anh, người trúng đấu giá còn phải trả thêm lệ phí hợp đồng đấu giá hạn ngạch phát thải, là 1,75 Bảng Anh mỗi lô trúng đấu giá, tương đương với 0,0035 Bảng Anh mỗi hạn ngạch phát thải. Các khoản lệ phí đấu giá hạn ngạch phát thải này sẽ được thu bởi Bộ Tài chính Anh và các quốc gia trong EU từ người thắng đấu giá.

Để thực hiện chính sách thuế đối với giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon, chính sách phí, lệ phí đối với giao dịch và đấu giá hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc phương án thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đối với giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon ở thị trường thứ cấp ở mức thuế suất phổ thông thông thường, đồng thời có phương án khuyến khích giao dịch phái sinh ở thị trường thứ cấp để tối ưu nguồn thu thuế từ thị trường các-bon.

Đối với phí giao dịch, theo Đào Trần Khánh (2023), Việt Nam cần rà soát thực tiễn triển khai để xác định chi phí thực tế của giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon tại Việt Nam, qua đó đề xuất mức phí phù hợp. Tương tự đối với trường hợp lệ phí đấu giá, Chính phủ cần ban hành khung khổ chính sách về đấu giá, bao gồm cả mức lệ phí đấu giá, lệ phí nộp hồ sơ… đảm bảo phù hợp thực tiễn là bù đắp đủ chi phí và tuân thủ quy định của Luật Phí, lệ phí.