Xây dựng vị thế cho hàng Việt
Để có được niềm tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN) rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng
“Thượng đế” ủng hộ
Bắt đầu từ năm 2009, TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 10 năm, cuộc vận động đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong người tiêu dùng cũng như các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, để tạo được vị thế, chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường, vẫn cần rất nhiều những nỗ lực từ nhiều phía, từ người tiêu dùng đến các DN trực tiếp sản xuất sản phẩm...
Những năm gần đây, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị lớn, cũng như các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã tăng cao. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc đang chiếm một tỷ lệ áp đảo so với hàng ngoại nhập. Bà Lê Hạ Thu Sương, trú quận Thanh Khê chia sẻ, gần đây, chất lượng cũng như mẫu mã của các sản phẩm hàng Việt là khá tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu xét về giá cả thì vẫn chưa thật sự có được sự cạnh tranh với hàng ngoại. Trên thị trường Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, các sản phẩm hàng Việt đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của nước ngoài. Đơn cử như các mặt hàng thực phẩm sấy khô, nông sản hay dệt may... đang đối mặt với sức ép lớn của hàng nhập khẩu đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ sản xuất ở Trung Quốc...
Bởi vậy, để tạo được chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường, trước hết rất cần sự ủng hộ của các “thượng đế”. Hơn ai hết, người tiêu dùng trong nước cần phải tin dùng các sản phẩm được sản xuất từ trong nước. Đại diện một DN chuyên sản xuất chế biến hải sản ở Đà Nẵng từng trăn trở, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa thực sự là rất gian nan, bởi hàng nước ngoài đang nhập về ngày càng nhiều, trong khi đó, tâm lý của nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn còn “sính ngoại”.
Để có được niềm tin của người tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực tự thân của DN, còn rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Trong đó, có việc tăng cường đấu tranh, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, hàng kém chất lượng từ nước ngoài, nhưng “đội lốt” hàng Việt… Đồng thời, có những giải pháp để hỗ trợ các DN trong nước đẩy mạnh sản xuất, kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế ngay ở TP. Đà Nẵng, hiện cũng đã có nhiều thương hiệu hàng Việt, sản xuất tại địa phương có uy tín với người tiêu dùng. Trong đó, có thể kể đến như, dệt may Hòa Thọ, sản phẩm dệt may 29-3, giày dép BQ, mây tre An Khê hay rau Vietgap của Hòa Vang... Đối với những sản phẩm sản xuất ngay ở địa phương, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để sản phẩm được tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, hội chợ xuân, hội chợ hàng nông sản... cả trong và ngoài địa bàn thành phố để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến tận tay của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp nỗ lực
Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng, các DN trên địa bàn cũng đã ý thức rõ ràng hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, vì đây chính là điều quyết định sự sống còn của DN. Nhiều DN, cơ sở sản xuất cũng đã tăng cường áp dụng kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã giảm giá thành, quảng bá thương hiệu. Có DN đã chủ động đưa hàng hóa về phục vụ các KCN, khu dân cư, vùng nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường cả trong lẫn ngoài nước.
Được biết, nhằm hỗ trợ cho các DN tăng cường công tác xúc tiến thương mại, năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho 700 DN, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ với hơn 1.650 gian hàng; Hỗ trợ 320 DN, HTX tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, website… để DN giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thì vẫn còn nhiều DN còn “ngó lơ” với điều này. Công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm của không ít DN, cơ sở sản xuất còn rất hạn chế, hình thức đơn điệu. Đặc biệt, việc tiếp cận với thị trường, nhất là thông qua kênh thương mại điện tử của nhiều DN vẫn còn bị bỏ ngỏ. Thực tế, nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, hay DN sản xuất, kinh doanh hàng nông sản còn chưa sẵn sàng đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử (online). Hầu hết các DN này chỉ tập trung vào sản xuất, còn việc thương mại hóa sản phẩm thì giao phó hoàn toàn cho các nhà phân phối, bán lẻ.
Rõ ràng để tạo chỗ dứng cho hàng Việt, bên cạnh sự ủng hộ của các “thượng đế”, các DN, cơ sở sản xuất trong nước cần phải ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Trong đó, không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh nhằm khẳng định được vị thế của sản phẩm mình trên thị trường... Ông Phan Hải - Giám đốc Công ty Giày BQ (TP. Đà Nẵng) cho rằng, việc chiếm lĩnh được thị trường nội địa vẫn là trăn trở lớn với các DN hiện nay.