Xem “láng giềng” chuẩn bị và động lực cho doanh nghiệp Việt trước AEC
(Tài chính) Năm 2014 – 2015 là giai đoạn nước rút của ASEAN để tiến tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Đây cũng là thời điểm các nước ASEAN bắt đầu những bước tập rượt để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh cơ hội hội nhập của mình. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần có những chiến lược cụ thể để khẳng định vị thế trước sức ép cạnh tranh từ các "hàng xóm".
Láng giềng đã sẵn sàng
Malaysia đã hoàn thành hơn 80%
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Datuk Seri Mustapa Mohamed cho biết Malaysia đã hoàn thành hơn 80% các biện pháp trong kế hoạch đề ra cho sự hội nhập vào khuôn khổ AEC trong khi tiến độ trung bình của các nước trong khu vực chỉ ở mức 72,2%.
Mới đây, phía Malaysia đã tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm, tài trợ chi phí cho doanh nghiệp các nước sang tham dự để làm quen, nắm bắt thị trường. Hoặc như các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam ngay trước AEC thì họ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, hàng hóa được đưa vào ngay khi thuế giảm.
Thái Lan đón đầu cơ hội
Chuẩn bị cho hội nhập AEC, Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng các bộ, ban, ngành liên quan đã đưa ra các chính sách khai thác lợi thế mà AEC mang lại sau năm 2015 để thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch đồng thời ngăn ngừa các loại tội phạm xuyên biên giới như buôn lậu ma túy, buôn người, nhập cư bất hợp pháp... Bên cạnh đó, Thái Lan đã và đang tiến hành các biện pháp đồng bộ nhằm phổ biến về AEC cũng như hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp của mình.
Theo đó, các doanh nghiệp được cung cấp thông tin cụ thể và chi tiết các lĩnh vực xuất nhập khẩu các nước trong ASEAN, các thế mạnh và những điểm chưa khắc phục được của các đối tác. Các doanh nghiệp Thái Lan đang hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam bằng cách thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập lớn trong ngành phân phối, cả bán sỉ lẫn bán lẻ, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực như nông sản, hàng công nghiệp nhẹ và hệ thống dịch vụ bán lẻ. Như vậy, Thái Lan đã nhìn thấy cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng.
Indonesia tích cực chuẩn bị
Ngay từ tháng 6/2013, Chính phủ Indonesia đã thành lập một Ủy ban quốc gia để chuẩn bị cho AEC với nhiệm vụ phân tích, đánh giá và đề xuất những kiến nghị cần thiết với Chính phủ Indonesia để có thể sẵn sàng vượt qua các thách thức và khó khăn, tận dụng và phát huy được tối đa những cơ hội và lợi ích to lớn mà AEC đem lại.
Thông tin từ Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết nước này đã thiết lập lộ trình cho những khu vực có khả năng phát triển mạnh khi AEC bắt đầu có hiệu lực. Đó là các ngành điện tử, ôtô, ximăng, dệt may và da giày đối với thị trường trong nước, và các ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, da giày, nội thất, thực phẩm và đồ uống đối với thị trường Đông Nam Á.
Philippines trấn an doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Philippines đang hết sức lo lắng vì AEC sẽ buộc Philippines phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài, gia tăng sự cạnh tranh mà doanh nghiệp nước này phải đối mặt. Để giải tỏa mối lo này, Chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino đã thành lập một Nhóm công tác kỹ thuật (technical working group - TWG) nghiên cứu nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước này.
Kiến nghị ban đầu của nhóm TWG là Manila phải nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt cổ chai” đang kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm lực của mình. Nút thắt nghiêm trọng nhất của Philippines, theo TWG, chính là cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, chi phí kinh doanh cao và thiếu luật lệ chống độc quyền trong các lĩnh vực năng lượng và viễn thông.
Chiến lược cho doanh nghiệp Việt
Không chỉ Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippin đã sẵn sàng cho việc tham gia vào AEC mà tất cả các nước trong khu vực ASEAN cũng đã có những chuẩn bị với những mục tiêu nhất định trong sự kiện này. Vậy Việt Nam cần tăng tốc ra sao để có thể bắt kịp và “chớp” cơ hội?
Giải đáp cho câu hỏi trên, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách để phù hợp với tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp cần chủ động năm bắt hơn nữa các cơ hội trước mắt để tận dụng được những lợi ích khi AEC chính thức được thành lập vào năm 2015.
Về ngắn hạn, theo bà Phạm Thị Hồng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gạo… Tận dụng bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu với Lào, bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia, cũng như lợi thế của hàng Việt Nam tại 2 thị trường này và thị trường Myanmar để đẩy mạnh xuất khẩu.
Song song với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo ra lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt được thông tin của đối thủ, từ đó có những chiến lược kinh doanh phù hợp cũng như khả năng ứng phó trước tình huống rủi ro, chuyên môn hóa sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt nam có nhiều thế mạnh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, khi hoạch định chiến lược, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu chiến lược dài hạn và mục tiêu cụ thể cho từng năm, tránh trường hợp đưa ra mục tiêu chung chung không rõ ràng, khó xác định. Sau đó, khi xác định được mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp cần phải xây dựng các nội dung chiến lược và các biện pháp để phát huy hiệu quả hợp tác kinh doanh xuất khẩu với khối thị trường ASEAN đầy tiềm năng.
Doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu, giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài; tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như công nghiệp hỗ trợ; phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến; xây dựng chiến lược liên kết nhằm tăng quy mô chuỗi sản xuất để có khả năng nhận những đơn hàng lớn…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu hội nhập về cả kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; tác phong làm việc hiện đại, chuyên nghiệp đi kèm với nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như tin học ứng dụng trong giao tiếp, thương mại hội nhập…