Xem xét chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ cơ sở y tế công lập
Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các cơ sở y tế công lập thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri TP. Cần Thơ liên quan đến chính sách thuế TNDN đối với các cơ sở y tế công lập. Trong kiến nghị, cử tri đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN theo hướng miễn khoản thuế 2% đối với các cơ sở y tế công lập thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở y tế nâng cao chất lượng hoạt động trong bối cảnh giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ.
Phản hồi kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính khẳng định, chính sách ưu đãi thuế hiện hành áp dụng thống nhất trên cả nước, đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh. Các ưu đãi về thuế được quy định rõ trong Luật thuế và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Hiện nay, lĩnh vực y tế đã được hưởng mức ưu đãi thuế cao nhất trong khung pháp luật hiện hành. Cụ thể, thu nhập từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động. Nếu đầu tư vào lĩnh vực y tế tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế phải nộp trong tối đa 9 năm tiếp theo. Tại các địa bàn khác, thời gian miễn giảm tương ứng là 4 năm và 5 năm.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa nếu khoản thu nhập này được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở. Các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho lĩnh vực y tế cũng được tính chi phí tài trợ vào khoản được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, các cơ sở y tế thuộc nhóm ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư còn được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, nếu một đơn vị sự nghiệp có hoạt động kinh doanh tạo ra thu nhập chịu thuế TNDN thì thuế phải nộp sẽ được tính theo doanh thu, chi phí và thu nhập của đơn vị. Trường hợp không xác định được chi phí và thu nhập, thuế TNDN sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu. Với dịch vụ y tế, tỷ lệ này là 2%.
Về chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích các đơn vị này tự chủ tài chính và có nguồn lực tích lũy để đầu tư phát triển. Quốc hội đã bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật năm 2024-2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 11/2024 và thông qua vào tháng 5/2025.
Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã bổ sung các quy định quan trọng. Theo đó, thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sẽ được miễn thuế, bao gồm dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục do Nhà nước ban hành; dịch vụ mà Nhà nước phải hỗ trợ tài chính do chưa tính đủ chi phí trong giá dịch vụ; và dịch vụ cung cấp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được giảm 50% thuế TNDN đối với thu nhập từ các dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đảm bảo dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) hoàn thiện và được thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2025.