Xóa sổ dần buôn bán tiểu ngạch, tạm nhập tái xuất

Theo An Hiền/plo.vn

Việt Nam sẽ xóa bỏ dần các hoạt động tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa được mở chính thức với các nước láng giềng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ giữa năm 2018 đến nay, Trung Quốc (TQ) siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để bảo đảm thực thi nghiêm các quy định của nước này về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì... Kết quả, chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu rau quả của Việt Nam (VN) sang thị trường TQ giảm đến hơn 13% so với cùng kỳ năm trước đó với kim ngạch chỉ đạt 2,24 tỉ USD.

Từ thực tế trên cho thấy hình thức thương mại tiểu ngạch không còn phù hợp. Do đó, VN cũng sẽ chủ động đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, dần xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, trước hết là xóa bỏ các hoạt động tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa được mở chính thức với các nước láng giềng.

Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, để làm rõ hơn về vấn đề này.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả không cao

PV: Bộ Công Thương cho hay từ ngày 1-1-2021, các hoạt động tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa được mở chính thức với các nước láng giềng sẽ bị xóa bỏ. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quốc Toản: Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu và hoạt động tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan là hoạt động kinh doanh bình thường trên thế giới. Nhưng ở VN, các hoạt động này tiềm ẩn rủi ro bởi luật pháp VN cho phép tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở… chưa được mở chính thức với nước láng giềng.

Từ đó dẫn đến nguy cơ thẩm lậu vào thị trường nội địa làm cho chi phí quản lý tăng cao; tiểm ẩn rủi ro phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng; làm giảm hiệu quả của các biện pháp mà Nhà nước đang áp dụng để khuyến khích trao đổi chính ngạch...

Mặc dù có tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy nhưng hiệu quả kinh tế mang về cho địa phương có hoạt động kinh doanh này trong thời gian qua không cao và không ổn định. Nếu hàng hóa tạm nhập và hàng gửi kho ngoại quan được tái xuất (hoặc tạm nhập) qua các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, hoàn thành đầy đủ thủ tục hải quan của nước nhập khẩu thì rủi ro sẽ rất khó phát sinh.

Điều này có nghĩa là tới đây các hoạt động tạm nhập tái xuất… chỉ được thực hiện tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính?

Trong thời gian gần đây, do các nước có chung đường biên giới quản lý chặt chẽ cửa khẩu nên hàng tạm nhập vào gặp nhiều khó khăn trong việc tái xuất. Cụ thể là hàng hóa không tái xuất được hoặc tái xuất chậm, quá thời hạn được lưu giữ tại VN. Điều này gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp (DN) do phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi, chi phí tiêu hủy hàng vì không tái xuất được.

Do vậy, để giảm thiểu rủi ro, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy định việc ngừng cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu được tạm nhập vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua các điểm thông quan không phải là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Quy định này được áp dụng sau một thời gian chuyển đổi phù hợp cho tất cả mặt hàng và trên toàn tuyến biên giới đường bộ của Việt Nam.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, DN và lấy ý kiến rộng rãi trên website của bộ để ban hành Thông tư số 09/2020.

Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, dần xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Trong ảnh: Vải thiều là một trong chín loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: CTV
Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, dần xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Trong ảnh: Vải thiều là một trong chín loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: CTV

Giúp việc kinh doanh ổn định

Khi Thông tư số 09/2020 có hiệu lực, các DN sẽ chịu những tác động gì, thưa ông?

Trước mắt, quy định trên có thể tác động phần nào đến các DN đang hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu. Nguyên nhân do nhiều công ty vẫn đang thực hiện tái xuất qua một số cửa khẩu phụ, lối mở. Tuy nhiên, việc tác động này không quá lớn do thời gian qua, một số nước láng giềng đã siết chặt quản lý việc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở nên thực tế hàng hóa tạm nhập tái xuất cũng rất khó thực hiện qua cửa khẩu phụ lối mở.

Về lâu dài việc quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu chỉ được qua cửa khẩu quốc tế cửa khẩu chính sẽ tạo hành lang pháp lý cho các DN kinh doanh được ổn định, bền vững, hiệu quả. Đặc biệt, nó giúp giảm thiểu rủi ro phát sinh cho DN khi đưa hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở chưa được mở chính thức với nước láng giềng.

Bộ Công Thương đã làm gì để hỗ trợ cũng như giảm thiểu thiệt hại cho các nhà kinh doanh khi xóa bỏ tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu cửa khẩu phụ, lối mở?

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các DN đang kinh doanh, Bộ Công Thương đã quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1-1-2021 để DN có thời gian chuẩn bị và có kế hoạch kinh doanh phù hợp với quy định về cửa khẩu kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu nêu trên.

Đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất nhập khẩu qua tiểu ngạch, Bộ Công Thương đã có kế hoạch hay lộ trình gì về việc dừng xuất khẩu tiểu ngạch hay chưa?

Về cơ bản, các quy định hiện nay của TQ về tăng cường quản lý hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu là phù hợp với thông lệ quốc tế và được nhiều quốc gia áp dụng. Do đó, đa số các nước, thị trường trong khu vực và thế giới phối hợp với phía TQ, chủ động ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn để DN xuất khẩu và các đối tượng tham gia vào quá trình xuất khẩu hàng hóa sang TQ thực thi các quy định, hướng dẫn này.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị, hướng dẫn các địa phương, DN, hiệp hội ngành hàng... theo dõi sát hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Qua đó để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết giao nhận để tránh ùn ứ. Đồng thời khuyến nghị DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Xin cám ơn ông!

Đề nghị TQ mở cửa cho nhiều mặt hàng của VN

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho hay cùng với đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT là bộ chủ trì, đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất, chế biến nông sản để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường TQ. Bộ Công Thương cũng làm việc với cơ quan chức năng của TQ để thúc đẩy sớm mở cửa thị trường đối với nông sản, trái cây tươi của VN.

Đồng thời, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan để đề nghị phía TQ sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền và qua các tuyến vận tải đường sắt. Đơn cử như cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu, Chi Ma - Ái Điểm; mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Bằng Tường.

Bộ Công Thương cũng sớm đưa lối thông quan cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc) vào hoạt động chính thức. Đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh của VN như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, mận, thạch đen, tổ yến, khoai lang cũng như diện DN được phép xuất khẩu vào TQ.