Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận: Nỗ lực của Việt Nam

PV.

Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu khi mà hiện nay tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, thiên đường thuế...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vấn đề mang tính toàn cầu

Theo các chuyên gia tài chính, BEPS là hành vi trốn thuế của người nộp thuế. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2015, các nguyên thủ G20 đã thông qua Gói hành động BEPS với 15 hành động cụ thể nhằm hạn chế tình trạng lách thuế/trốn thuế BEPS. Năm APEC 2016, sáng kiến BEPS trong khuôn khổ hợp tác tài chính APEC lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự tại Peru 2016.

Để đảm bảo các giải pháp về BEPS được triển khai hiệu lực, hiệu quả, đồng thời để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp này trong quá trình triển khai, OECD đã thiết lập Diễn đàn hợp tác chung bao gồm các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD và G20 cùng thực hiện triển khai Diễn đàn hợp tác chung BEPS trên phạm vi toàn cầu trong đó có các nước đang phát triển.

Điều kiện để các nước/vùng lãnh thổ tham gia vào Diễn đàn này là phải thực hiện đầy đủ các giải pháp về BEPS và phải nộp phí hội viên để chi trả cho hoạt động chung của Diễn đàn. Riêng đối với các nước không phải là thành viên của OECD, điều kiện tham gia là cam kết thực hiện tối thiểu 04 tiêu chuẩn, thời gian và lộ trình tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của mỗi nước để đảm bảo việc triển khai các chuẩn mực này nhất quán trên toàn cầu, tránh chồng chéo và mẫu thuẫn về chính sách giữa các nước.

Thực tiễn cho thấy BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu. Hiện nay, tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến và cơ bản được nhận biết qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, thiên đường thuế... Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Do vậy, việc nhận biết và có giải pháp đối với BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế.

Nỗ lực của Việt Nam

Với nỗ lực của Việt Nam và tận dụng cơ chế hỗ trợ triển khai trong APEC, ngày 21-22/6/2017, tại Phiên họp lần 3 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS diễn ra tại Noordwijk (Hà Lan), Việt Nam đã chính thức công bố tham gia vào Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác chung BEPS.

Bên cạnh đó, để tiếp cận, đánh giá và triển khai các chương trình hành động BEPS, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã thành lập Ban chỉ đạo và 03 Tổ Công tác BEPS (theo Quyết định số 1286/QĐ-TCT ngày 11/7/2016), gồm: Tổ BEPS 1- Nghiên cứu thuế quốc tế và Hiệp định thuế theo chương trình BEPS; Tổ BEPS 2- Nghiên cứu về thanh tra giá chuyển nhượng theo chương trình BEPS; Tổ BEPS 3- Nghiên cứu sửa đổi chính sách khác theo chương trình BEPS...

Đặc biệt, năm 2017, Việt Nam lựa chọn BEPS – các tiêu chuẩn tối thiểu là chủ đề ưu tiên thảo luận trong APEC. Tại Hội nghị Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 2/2017, Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất kế hoạch hoạt động của APEC cho năm 2017 với các mục tiêu chính bao gồm: Tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc triển khai các hành động BEPS; Tổ chức các khoá đào tạo và hội thảo, chia sẻ kiến thức, tăng cường năng lực cho các nền kinh tế thành viên; Báo cáo tổng kết tình hình triển khai sửa đổi pháp luật và áp dụng các biện pháp BEPS của các thành viên APEC trong năm 2017.

Sau đó, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã thông qua kế hoạch hoạt động do Việt Nam đề xuất. Các quan chức tài chính đã đánh giá tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. Vào ngày 21/10/2017, tại TP. Hội An (Quảng Nam), các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tuyên bố chung về các vấn đề liên quan đến các chủ đề hợp tác ưu tiên, trong đó có chủ đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính 21 nền kinh tế các đại diện khẳng định nhận thức tác động quan trọng của các vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận đến các nền kinh tế thành viên APEC và sự cần thiết tăng cường hợp tác trong khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận và các thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và quản lý thuế, nhằm giải quyết những thách thức về BEPS trong khu vực, đồng thời nâng cao tính chắc chắn, minh bạch và công bằng của hệ thống thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính 21 nền kinh tế cũng hoan nghênh những nỗ lực của các nền kinh tế APEC trong việc xây dựng chương trình hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS và các hành động BEPS có liên quan khác, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác thực hiện dự án BEPS trong khu vực APEC, được khởi xướng trong năm Chủ tịch của Việt Nam 2017. Ngoài ra, những những nỗ lực về BEPS sẽ tiếp tục được triển khai trong năm APEC 2018 tại Papua New Guinea.