Xu hướng bán lẻ nhiều tiện ích: Thay đổi hay là chịu chết?
Cuộc đổ bộ của hàng loạt đại gia nước ngoài vào thị trường bán lẻ nước ta đã tác động rất lớn vào thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước.
Và trong bối cảnh này, muốn tồn tại mô hình bán lẻ truyền thống ở Việt Nam buộc phải thay đổi để có thể cạnh tranh.
Thỏa mãn tiện ích, thói quen tiêu dùng mới
17 giờ chiều, gian phòng hơn 100m2 của cửa hàng tiện ích Family Mart ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TPHCM) đông kín người. Khách hàng thời điểm này chủ yếu là học sinh của Trường THPT Nguyễn Trung Trực, trường học đối diện cửa hàng tiện ích. Các khách hàng của cửa hàng đang tập trung vào laptop, smartphone, cùng với thức uống trên bàn, thỉnh thoảng nhóm nam sinh lại khúc khích đùa cợt với nhau. Hôm nay không phải ngày cuối tuần, nhưng ở đây ngày nào cũng đông như vậy.
Ngồi cách nhóm học sinh không xa, Vũ Thị Cẩm Vân, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM cùng một bạn khác đang học bài bên cạnh chiếc laptop.
Cẩm Vân chia sẻ: “Cửa hàng tiện tích có điều hòa, có wifi, không gian thoải mái, có nhà vệ sinh, nhân viên thân thiện nên tụi em hay tìm đến. Tại các cửa hàng tiện ích, nhóm bạn thân tụi em ngồi từ sáng đến chiều để học bài. Ban trưa, thời điểm tương đối vắng khách, em vào đây gọi mì gói ăn, cộng thêm chai nước suối giá 4.000 đồng. Như vậy là có bữa ăn no để ôn bài đến chiều tối, vô cùng tiện lợi”.
Tại cửa hàng Circle K trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), ngày chủ nhật, một nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đang trao đổi bài vở trong cửa hàng. Lê Công Hậu, sinh viên quê Quảng Nam tâm sự: “Nhóm em cũng hay qua các cửa hàng tiện lợi để học bài. Circle K mở 24/24, chi phí rẻ, có wifi và điều hòa nên bọn em hay vào đây. Thức ăn ở Circle K cũng tương đối đa dạng và hợp khẩu vị so với các cửa hàng tiện ích khác”.
Bạn Trung Thành, nhân viên của Circle K, cho biết cửa hàng rất đông khách vì gần các trường học và chung cư, thường xuyên kín ghế, nhất là ban ngày sinh viên, học sinh đến đây rất nhiều để học bài, hoặc ghé vào ăn uống thư giãn. Món đắt hàng nhất ở cửa hàng là cá viên, bò viên giá 5.000-8.000 đồng/xiên. Món kem trà xanh cũng rất đắt khách và mì gói thường “cháy hàng”.
Tại TPHCM, đúng như tên gọi, hệ thống cửa hàng tiện ích như Ministop, Family Mart, Shop & Go, Circle K… chuyên cung cấp các mặt hàng mang tính tiện ích, khách có thể sử dụng ngay tại cửa hàng như cà phê, mì gói, bánh bao, bánh mì, xúc xích, kem, các đồ thiết yếu... Điều hấp dẫn là các cửa hàng tiện ích đều có wifi, máy lạnh và không gian cho khách thưởng thức các món đồ ăn nhanh.
Giá một ly cà phê ở Family Mart, Ministop đều 12.000 đồng. Kem tươi ở Ministop 8.000 đồng, hay 1 lon cà phê sữa giúp làm việc tỉnh táo chỉ 14.000 đồng, trong khi vào các quán cà phê ở trung tâm thành phố giá lên đến 60.000 đồng. Vào buổi trưa, ngoài trời nắng nóng, thực khách vào mua ly mì gói, cả Circle K, Ministop đều có bình nước nóng để khách có thể tự phục vụ ngay tại chỗ.
Theo ghi nhận, ở các cửa hàng tiện ích đều mở 24/24, các điểm bán là mô hình lai giữa cửa hàng tạp hóa và cà phê, thức ăn nhanh để phục vụ mọi đối tượng khách hàng.
Phục vụ "thượng đế" tận răng
Khoảng chừng 5 năm trước, khi cửa hàng tiện ích của các nước bắt đầu xuất hiện ở TPHCM, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự thành công của nó. Đó là người tiêu dùng đến các tiệm tạp hóa không cần xuống xe, mà đứng ở ngoài gọi thứ mình cần mua sẽ có người đáp ứng ngay.
Thế nhưng đến nay, mô hình kinh doanh này đang phát triển nhanh ở TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… với các thương hiệu lớn của nước ngoài, như Family Mart, Ministop, Circle K, Shop & Go, 7-Eleven… Có quy mô tương đối khiêm tốn nhưng các cửa hàng này đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách. Nhiều cửa hàng còn phục vụ cả cơm trưa và cơm tối cho khách.
Những “điểm cộng” này đã thu hút ngày càng nhiều khách đến hệ thống cửa hàng tiện ích. Sau 5 năm đổ bộ vào Việt Nam, dù thị trường chưa phát triển mạnh như các nước phát triển, nhưng đại diện chuỗi các cửa hàng nói trên cho biết sẽ tăng cường rót vốn đầu tư, nhằm gia tăng độ phủ tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt hiện nay đã chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện ích. Hình thức bán lẻ này được ưa chuộng nhờ một số ưu điểm như cung cấp đa dạng các loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vị trí các cửa hàng đặt tại khu dân cư có đông người sinh sống, thời gian mở cửa hầu như từ sáng sớm tới khuya, không ngày nào nghỉ, kể cả ngày lễ, tết.
Trong khi đó, Công ty nghiên cứu thị trường IGD dự báo các chuỗi cửa hàng tiện ích tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 chữ số trong 4 năm tới, đạt mức 37,4% vào năm 2021 - cao nhất trong số các quốc gia khác khảo sát.
Có mặt tương đối sớm ở nước ta, đầu năm 2015, Circle K Việt Nam được tái cấu trúc và bắt đầu phát triển mạnh số lượng cửa hàng. Hiện tại, hệ thống này có gần 300 cửa hàng tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ministop, hệ thống thuộc Tập đoàn AEON hiện có khoảng 100 cửa hàng tại TPHCM và Bình Dương. Theo mục tiêu Tổng giám đốc Akihiko Maeda của thương hiệu này từng chia sẻ, Ministop cần có 300 cửa hàng để đảm bảo ổn định về lợi nhuận. Còn Shop & Go, FamilyMart và B’s mart, với số lượng nhỉnh hơn, đang lần lượt sở hữu khoảng 140, 160 và 180 cửa hàng.
Trong khi đó, “gã khổng lồ” bán lẻ 7-Eleven đến từ Nhật Bản chính thức có mặt tại TPHCM trong tháng 6-2017, được kỳ vọng rất lớn từ người tiêu dùng trong nước. 7-Eleven thuộc sở hữu của Seven & I Holdings Group. Đây được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh nhất thế giới, khi cứ 2 giờ trôi qua lại có 1 cửa hàng mọc lên. Tính đến nay, thương hiệu này có mặt tại 18 quốc gia với gần 62.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Mục tiêu của công ty là mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm.
Năm 2009, FamilyMart bắt đầu thâm nhập Việt Nam với cửa hàng đầu tiên được khai trương vào tháng 12. Tháng 6-2011 FamilyMart liên doanh với Công ty Phú Thái và Itochu Nhật Bản. Nhờ sự hợp tác này, chỉ sau 1 năm rưỡi FamilyMart đã nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên con số 42.
Trong khi đó, năm 2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan đã mua lại toàn bộ cổ phần FamilyMart nắm giữ trong liên doanh tại Việt Nam, đổi tên các cửa hàng thành B’s mart (B là ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC).
Tại thời điểm đó, không ít những lời đồn đoán về chuyện FamilyMart thua lỗ và chuẩn bị rút khỏi thị trường Việt Nam. Nhưng vào tháng 7-2013 chuỗi cửa hàng này đã hồi sinh với việc tái khởi động cửa hàng đầu tiên tại Sky Garden (quận 1, TPHCM). Đến cuối tháng 12-2013, FamilyMart sở hữu 20 cửa hàng sau 6 tháng cơ cấu lại. Thương hiệu đến từ Nhật Bản đặt mục tiêu số lượng các cửa hàng sẽ chạm mốc 150 vào cuối năm 2017 và 300 vào năm 2018. Thậm chí, FamilyMart còn từng có tham vọng trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Việt Nam và sở hữu 1.500-2.500 cửa hàng trong năm 2023.
Bắt đầu từ năm 1951 tại bang Texas (Hoa Kỳ), Circle K đã trở thành một trong những thương hiệu cửa hàng tiện lợi uy tín rộng khắp, nổi tiếng trên toàn thế giới vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời, với hơn 11.000 cửa hàng tại châu Âu, châu Mỹ cùng hơn 1.600 cửa hàng Circle K nhượng quyền hoạt động tại 12 nước và vùng lãnh thổ châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ.
“Gần khách hơn, tiện ích hơn” - công thức này được Circle K áp dụng triệt để tại khu vực xung quanh các trường phổ thông, đại học lớn ở Việt Nam. Chuỗi này luôn đặt tiêu chí gần trường học lên hàng đầu nhờ lượng khách hàng tiềm năng là sinh viên của các trường rất dồi dào.