Lãi suất huy động đã chạm đáy?
Quan sát cho thấy lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã bắt đầu nhích lên tại một số ngân hàng lớn…
Báo cáo mới nhất của SSI Research cho biết, trong tuần trước, NHNN bơm 1.019 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 968 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Nhờ vậy, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành được nâng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,25% (giảm 12 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần 2,38% (giảm 1 điểm cơ bản). Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,61%.
NHNN thông báo tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/2 đạt 2,52% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,82% được Chính phủ công bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 2 trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay, tương đương giảm 23 nghìn tỷ đồng.
SSI Research cho rằng tín dụng tăng chậm lại trong tháng 2 do hai nguyên nhân chính, yếu tố mùa vụ và tác động của Nghị định 16 đến hoạt động phát hành TPDN. NHNN cũng đã công bố số liệu tăng trưởng huy động tính đến 25/2, với mức tăng 1,29% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11,1% so với cùng kỳ).
Nhìn chung, tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch, phản ánh môi trường lãi suất thấp đã và đang được duy trì trong 2 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, SSI Research kỳ vọng huy động vốn có thể tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng của lãi suất huy động có khả năng thu hút lượng tiền gửi lớn hơn. Trong tuần trước, quan sát cho thấy lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn (MBB và TCB), với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng.
Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát.
Trong tuần qua, đồng VND giao dịch tương đối ổn định. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.850 đồng/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 30 đồng, kết tuần ở mức VND 22.700/23.010.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng không có nhiều biến động mạnh trong tuần và giao dịch ở 23,485/23,540. Áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng. Về mặt tích cực, dòng tiền ngoại tệ có thể phần nào được hỗ trợ từ việc mở cửa hoàn toàn biên giới quốc tế vào ngày 15/3.