Xu hướng mới trong bảo hộ thương mại trên thế giới và những khuyến nghị đối với Việt Nam
Thời gian qua, trên thế giới bảo hộ thương mại đã quay trở lại mạnh mẽ với nhiều xu hướng mới gây bất ổn lớn tới thương mại toàn cầu và tác động cả tích cực lẫn tiêu cực tới Việt Nam.
Nghiên cứu này phân tích những xu hướng bảo hộ thương mại mới diễn ra trên thế giới, đánh giá những tác động tới Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm đối phó với những xu hướng mới trong bảo hộ và đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế.
Xu hướng mới trong bảo hộ thương mại
Trong thời gian qua, trên thế giới, xu thế bảo hộ thương mại đã và đang quay trở lại. Điển hình như việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn ra gay gắt... Kinh tế thế giới chứa đựng nhiều bất ổn, bởi xu hướng bảo hộ thương mại trở lại đồng nghĩa với việc các rào cản thương mại được dựng nên ngày càng nhiều, các biện pháp hạn chế thâm hụt thương mại được các nước sử dụng nhiều hơn. Chỉ tính riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã có hàng chục nghìn biện pháp có tác động hạn chế thương mại được áp dụng, gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự hội tụ của nhiều công nghệ đột phá. Chính vì vậy, ưu tiên trong đàm phán tự do hóa thương mại thế giới đã dịch chuyển từ mua bán hàng hóa vật chất sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới. Đàm phán về tự do hóa thương mại không chỉ còn giới hạn ở việc cắt giảm thuế, mà quan tâm hơn đến các hàng rào kỹ thuật mới liên quan đến công nghệ số, đến chủ quyền số và thông tin người dùng. Gần đây nhất là sự kiện Chính phủ Hoa Kỳ cấm các công ty công nghệ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Huawei. Việc các công ty của Hoa Kỳ như Google, Apple… không hợp tác với Huawei đã làm cho các hãng này và người tiêu dùng trên toàn thế giới bị ảnh hưởng.
Bảo hộ thương mại để khẳng định vị trí thống lĩnh
đối với kinh tế và thương mại toàn cầu
Một số xu hướng mới trong bảo hộ thương mại của các nước áp dụng là nhằm xác lập lại luật chơi toàn cầu hay trong phạm vi một quốc gia, đó là chiến tranh thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc; Hoa Kỳ rút khỏi TPP hay sự kiện Brexit của nước Anh… Cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc thực chất là tái khẳng định vị trí số một của Hoa Kỳ trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Với chính sách “Hoa Kỳ trước nhất”, được dự báo tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian tới.
Định hình lại chính sách thương mại quốc gia
Nước Anh đã khởi đầu tiến trình phá bỏ cái cũ và định hình lại chính sách thương mại quốc gia, hạn chế phụ thuộc vào các đối tác thương mại với việc đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện Brexit, cụ thể là sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016. Ngày 29/03/2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã thông báo Anh rút lui khỏi EU theo Điều 50 (2) Hiệp ước về EU. Ở góc độ chính sách thương mại quốc tế, Brexit trước mắt sẽ buộc Chính phủ Anh đối diện với “một thập niên bất ổn”, do Anh cần có rất nhiều thời gian để định hình lại chính sách thương mại quốc tế của riêng mình và đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác thương mại trong và ngoài EU.
Những ảnh hưởng đối với Việt Nam
Tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng cùng với sự gia tăng các điều khoản pháp lý ràng buộc của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã gây sức ép cạnh tranh đối với các ngành sản xuất trong nước của các quốc gia, dẫn đến việc các nước gia tăng áp dụng các biện pháp kỹ thuật với những tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Thứ nhất, các biện pháp kiểm dịch động thực vật và các biện pháp khác với những tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng nhập khẩu.
Xu hướng bảo hộ, quy định tiêu chuẩn cao tại các thị trường nhập khẩu như các quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích là bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nhiều nước đã áp dụng các quy định mới về kiểm nghiệm, kiểm dịch và thực hiện kiểm tra chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu; yêu cầu nghiêm ngặt và phức tạp về bao bì đóng gói, ký mã hiệu, ngôn ngữ ghi trên bao bì. Công cụ chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp mang tính bảo hộ khác mà Việt Nam phải đối mặt như: Việc Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu với nhôm và thép theo quy định tại Mục 232 Đạo luật Thuế quan 1930 với lý do để bảo vệ an ninh quốc gia…
Thứ hai, cường độ áp đặt bảo hộ thương mại của các nước ngày càng tăng và các nước cũng tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Các biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng như một công cụ để bảo vệ sản xuất trong nước. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2018, đã có tới 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%); thứ ba là Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%). Những vụ việc này đã tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với một số ngành như: thủy sản, sắt thép…
Xu hướng mới trong bảo hộ thương mại của các nước dựng lên như việc Hoa Kỳ áp thuế đối với Trung Quốc có thể sẽ khiến trong tương lai gần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ được lợi thế về giá; Việt Nam thu được nhiều lợi ích từ nỗ lực tự do hoá thương mại, các đối tác thương mại lớn như EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng tiêu cực, đó là:
- Sẽ có hiện tượng các DN nước ngoài lợi dụng Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hoá xuất sang Hoa Kỳ để "né" thuế và các DN Việt Nam, vì động cơ lợi nhuận sẽ lợi dụng để nhập khẩu xuất sang Hoa Kỳ với xuất xứ Việt Nam. Đây là một nguy cơ với các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các cơ quan quản lý không đủ năng lực, hoạt động sản xuất trong nước sẽ bị rối loạn, hơn nữa Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường thế giới và phải đối diện với nguy cơ trừng phạt của Hoa Kỳ.
- Gia tăng bất ổn đối với hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam lệ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương khi có những biến động xấu. Với chính sách hướng về nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, khả năng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể lan rộng ra toàn thế giới. Trong trường hợp nếu có các xung đột leo thang và xảy ra tranh chấp thương mại dẫn tới việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.
- Việt Nam phải đối diện với thách thức từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Các DN Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam…
Một số khuyến nghị
Để đối phó với những xu hướng bảo hộ thương mại mới đã và đang diễn ra trên thế giới; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tự do hoá thương mại, thoát khỏi cạm bẫy bảo hộ thương mại.
Một trong những giải pháp chống lại bảo hộ thương mại chính là Việt Nam phải đẩy mạnh tự do hoá thương mại, tránh phụ thuộc vào số ít thị trường vì khi đối tác dựng lên rào cản sẽ tác động tiêu cực vào hoạt động thương mại quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Khu vực tư nhân là khu vực năng động nhất của nền kinh tế, khu vực này là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, là khu vực năng động và đầu tàu trong nỗ lực tự do hoá thương mại. Khu vực này cần nhận được sự hỗ trợ tương xứng từ phía Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tiếp cận tín dụng, khuyến khích cải cách.
Thứ ba, rà soát và xác định những lĩnh vực kinh tế bị tác động mạnh khi thực hiện các cam kết thương mại tự do để có biện pháp hỗ trợ.
Một số sản phẩm xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam có thể gặp khó khăn khi bị áp dụng quy tắc xuất xứ mới, các quy định về rào càn kỹ thuật trong thương mại và kiểm dịch động thực vật khắt khe hơn; Một số lĩnh vực bị tác động do mở cửa thị trường như ngân hàng, chăn nuôi, sản phẩm chế tạo… Những lĩnh vực này cần các biện pháp hỗ trợ hợp lý theo thông lệ quốc tế.
Thứ tư, tăng cường năng lực đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại.
Việt Nam cần tăng cường sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống bán trợ giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phổ biến rộng rãi cho các DN biết và vận dụng.
Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền và hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan.
Một rào cản lớn khi Việt Nam thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do là các quy định về xuất xứ và việc cấp C/O hàng hóa. Do đó, việc thông tin và tư vấn cho các DN về thuế, quy định xuất xứ và C/O cần được ưu tiên hàng đầu. Các cơ quan quản lý cần có các biện pháp hỗ trợ về pháp lý đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2008), “Đánh giá tác động tổng thể khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đến thay đổi xuất nhập khẩu và thể chế”, Hà Nội;
2. Bộ Công Thương (2018), Ảnh hưởng của một số hiện tượng bảo hộ thương mại nổi bật trong thời gian gần đây và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam, Đề tài cấp Bộ 2018, Hà Nội;
3. Lê Triệu Dũng (2018), “Phòng vệ thương mại- Công cụ chính sách quan trọng khi tham gia các FTA”, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018, Hà Nội;
4. Lương Kim Thành (2018), “Biện pháp phòng vệ thương mại trong các hiệp định thương mại tự do”, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018, Hà Nội.