Hàn Quốc đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Theo TTXVN

Hàn Quốc sẽ kiên quyết đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và tích cực tìm cách thành lập các thị trường nước ngoài mới thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát biểu ngày 23/10 trong cuộc họp các bộ trưởng liên quan kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon nói: "Các điều kiện bên ngoài xung quanh chúng ta không tốt... Chúng ta sẽ tích cực đối phó với chủ nghĩa bảo hộ".

Ông cho biết thêm, các nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng do các xung đột thương mại, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có khả năng là vấn đề kéo dài hơn dự tính.

Bộ trưởng Kim Dong-yeon nhấn mạnh: "Chúng ta cần tận dụng các thay đổi trong điều kiện bên ngoài, vốn có khả năng trở thành một nhân tố rủi ro song cũng mang lại cơ hội cho chúng ta".

Hàn Quốc hiện đang nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các nước tham gia hiệp định thương mại này gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand và Peru, chiếm 13,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương với 10.000 tỷ USD.

Hàn Quốc cũng đang trong quá trình đàm phán với các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương (PA) để tham gia với tư cách là thành viên liên kết trong liên minh thương mại Mỹ Latinh này. Các thành viên PA gồm Mexico, Chile, Colombia và Peru.

Hàn Quốc cũng đã ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với 3 nước trong liên minh thương mại này, trừ Mexico. Việc trở thành thành viên của PA đồng nghĩa với một thỏa thuận thương mại tương tự với Mexico, nền kinh tế lớn nhất trong PA.

Báo cáo mới nhất của Coface - tập đoàn lớn chuyên về bảo hiểm tín dụng, quản lý rủi ro, có trụ sở chính ở Pháp - cho rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại không ngừng gia tăng đang tác động đến nhiều nền kinh tế, cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Coface ước tính rằng cứ mỗi 1% thuế nhập khẩu mà Mỹ tăng, giá trị xuất khẩu trung bình của các đối tác thương mại bị Mỹ áp thuế sẽ giảm 0,5%, trong khi ngành vận tải và cơ giới bị ảnh hưởng đặc biệt, dự kiến sẽ lần lượt giảm 4,4% và 3,7%.

Trong dự báo công bố hồi đầu tháng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2018 và 2019 xuống mức 3,7%, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó, nhấn mạnh chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đang gây tác hại cho nền kinh tế thế giới.

IMF đặc biệt cảnh báo những rủi ro vốn được từng được nêu bật trong các báo cáo trước đó "đang ngày càng trở nên rõ rệt hay đã hiện thực hóa một phần" trong thế giới thực.

Theo IMF, căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi "những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động".

Căng thẳng thương mại gia tăng xuất phát từ phía Mỹ đã kéo theo hàng loạt các biện pháp thuế "ăn miếng trả miếng" giữa các đối tác thương mại lớn, tác động không nhỏ tới Trung Quốc, các nền kinh tế châu Á và các quốc gia dễ bị tổn thương khác như Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

IMF cảnh báo tình trạng bất ổn do tranh chấp thương mại gây ra có thể khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt rót vốn, khiến hoạt động đầu tư sụt giảm. Nếu điều này vẫn tiếp diễn, căng thẳng thương mại sẽ leo thang tới mức kéo theo những rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu.