Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam


Mục đích của các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ là kích thích nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nội địa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước đó, đồng thời tránh được thâm hụt thương mại với các đối tác trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai bên. Dự báo, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới và thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu hướng bảo hộ thương mại thời gian gần đây

Trong nhiều thập kỷ qua, thương mại toàn cầu dựa trên lý thuyết về lợi thế so sánh, cho thấy, các quốc gia thường chỉ làm ra những mặt hàng mà mình có lợi thế so sánh cao nhất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Lợi thế so sánh của mỗi nền kinh tế dựa vào các yếu tố như khoa học và công nghệ, khả năng sáng tạo, nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào, thậm chí cả các yếu tố mang tính can thiệp của chính quyền như chính sách bảo hộ, hàng rào thuế quan... Về bản chất, đó là sự phân công lao động trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.

Có thể thấy rằng, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại tuy là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng do sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia; giữa các khu vực, tầng lớp, thành phần xã hội trong mỗi quốc gia đã dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thương mại thế giới đã xuất hiện thêm các hình thức thương mại hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, “xóa nhòa biên giới quốc gia”, làm giảm vai trò của các lợi thế so sánh trước đây. Vì vậy, một số quốc gia thúc đẩy các doanh nghiệp dịch chuyển trở về nước mình nhằm gia tăng lợi ích của quốc gia mình. Nhiều chính phủ tuyên bố ủng hộ tự do hóa thương mại, tôn trọng các nguyên tắc thị trường, phê phán chủ nghĩa bảo hộ nhưng trên thực tế lại hành động ngược lại, kể cả áp dụng biện pháp can thiệp hành chính.

Bảo hộ thương mại là thuật ngữ kinh tế học, theo đó quốc gia áp đặt thuế nhập khẩu cao hoặc áp dụng các hàng rào kỹ thuật (yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ...) đối với một hoặc một số mặt hàng (hay dịch vụ) mà mình có lợi thế để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa (hay dịch vụ) của mình.  

Theo Global Trade Alert (GTA), kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử. Xu hướng bảo hộ trở nên rõ ràng hơn so với những năm trước đó. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, GTA đã ghi nhận 539 biện pháp bảo hộ, nhiều hơn so với 407 biện pháp bảo hộ trong cùng kỳ năm 2014 và 183 biện pháp được triển khai trong 10 tháng đầu năm 2012.

Tại châu Âu, xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện rõ nét nhất khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý (Brexit) vào năm 2016, và hiện đang đàm phán các thủ tục để rời EU, tạo ra các điều kiện, cơ hội để nước Anh đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.

Tại Mỹ, ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, Ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump thực hiện chủ trương, bất chấp những phản đối từ ngay trong nội bộ chính giới nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Ngày 23/1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 nước trong khu vực đã ký. Tiếp đó, ngày 17/5/2017, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức gửi thông báo tới Quốc hội nước này về kế hoạch đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký kết với Canada và Mexico. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước.

Chỉ trong năm 2017, Mỹ đã khởi xướng 02 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (với pin năng lượng mặt trời và máy giặt). Ngày 8/3/2017 (ngày 9/3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act) dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Cụ thể, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Quyết định này của Mỹ sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Lý do áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm bằng chính sách tăng thuế nhập khẩu được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là vì “an ninh quốc gia”.

Bảo hộ thương mại đã lên đến đỉnh điểm tính đến thời điểm hiện nay là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra khi Quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2018 và Trung Quốc áp dụng các biện pháp đáp trả. Hiện không ai có thể đoán chắc cuộc xung đột thương mại này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như mức độ tác động của nó.

Trung Quốc vốn được đánh giá là hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng đang theo đuổi chính sách giảm nhập khẩu từ các nước bằng các biện pháp bảo hộ những mặt hàng, sản phẩm sản xuất ở trong nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu nước này ra thị trường thế giới.

Báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ trung tuần tháng 10/2015 đến trung tuần tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, trung bình mỗi tháng áp dụng 21 biện pháp, nhiều hơn so với mức trung bình 17 biện pháp/tháng trong giai đoạn 7 tháng trước đó, trong đó chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá. Đây cũng là mức trung bình tháng cao nhất kể từ năm 2011, thời điểm ghi nhận những biện pháp hạn chế thương mại đạt kỷ lục.

Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng từ ngày 08-09/6/2018, tại Canada đã ra tuyên bố chung khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của thương mại toàn cầu “tự do, công bằng và cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm nhất có thể và “nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ”. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi Tuyên bố chung.

Tác động của xu hướng bảo hộ thương mại đối với kinh tế thế giới và Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường mở, đầu tư và thương mại ngày càng thuận lợi, kinh tế toàn cầu được hưởng lợi. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu các rào cản thương mại toàn cầu được dỡ bỏ thì thu nhập của các nước đang phát triển có thể tăng thêm 142 tỷ USD.

Chủ nghĩa bảo hộ không chỉ có tác động tiêu cực đối với những nước theo đuổi xu thế này mà cả với tăng trưởng toàn cầu. Đối với các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, người tiêu dùng không có điều kiện để lựa chọn hàng hóa chất lượng cao và giá thành cạnh tranh như ở các nước theo đuổi thương mại tự do và ngay cả các nhà sản xuất cũng không có động lực để áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương đến kinh tế các nước và người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp.

Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam - Ảnh 1

Theo WTO, Mỹ thực thi bất kỳ biện pháp bảo hộ thương mại nào đều gây bất ổn cho kinh tế thế giới. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả thành phần xã hội, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới. Hiệp hội Các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ (RILA) của Mỹ nhận định, các gia đình tại Mỹ chính là những người thiệt hại nhiều nhất. Người tiêu dùng, doanh nghiệp và việc làm của người Mỹ phụ thuộc vào thương mại đang bị đặt vào thế rủi ro trong một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra.

Theo IMF, toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của WB, nếu các rào cản thương mại toàn cầu được dỡ bỏ thì thu nhập của các nước đang phát triển có thể tăng thêm 142 tỷ USD. IMF dự báo đến năm 2020, sản lượng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,5% so với mức dự kiến nếu những lời đe dọa dựng hàng rào thuế quan trở thành hiện thực.

Chuyên gia kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF cho rằng, Mỹ "đặc biệt dễ tổn thương" nếu chiến tranh thương mại leo thang xa hơn, bởi nước này sẽ là tâm điểm của sự trả đũa thương mại toàn cầu. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa Washington với phần còn lại của thế giới gia tăng mạnh, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell ngày 17/7/2018 cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ có thể gây tổn hại tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu tăng trưởng tiền lương.

Với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ trong quý II/2018, trong đó có nguyên nhân được cho là do căng thẳng thương mại leo thang Trung - Mỹ đe dọa triển vọng xuất khẩu. Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/7/2018 cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6,7% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đã lần đầu tiên giảm trong 17 tháng và niềm tin của các doanh nghiệp nước này suy giảm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các chính sách bảo hộ thương mại.

Tăng trưởng kinh tế Singapore chậm lại trong quý II/2018 và không đạt dự báo, do ngành chế tạo giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang. Số liệu do Bộ Công Thương Singapore công bố sáng 13/7 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý II/2018 chỉ tăng 1% so với quý I/2018, so với mức dự báo tăng 1,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý I/2018, GDP của Singapore tăng 1,5% so với quý IV/2017.

Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam - Ảnh 2

Đối với Việt Nam, theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương, tính đến tháng 10 năm/2017, đã có hơn 120 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam, gồm 75 vụ việc chống bán phá giá, 10 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc tự vệ và 17 vụ việc lẩn tránh thuế. Mỹ là nước điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với Việt Nam (13 vụ), tiếp đó là Ấn Độ (11 vụ), Úc (7 vụ), EU, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ (6 vụ). Mỹ đồng thời là nước có tỷ lệ áp thuế chống bán phá giá cao nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra chủ yếu là sắt, thép, sợi, da giày, các sản phẩm cao su... Đối với chống trợ cấp, Mỹ tiếp tục là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam (05 vụ), tiếp đó là Canada, Úc (2 vụ) và EU (1 vụ).

Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam - Ảnh 3

Các vụ kiện phòng vệ thương mại và các rào cản bảo hộ đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung ở một số khía cạnh: (i) Giảm năng lực và lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; (ii) Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể nguồn nhân lực, thời gian và kinh phí cho việc tham gia giải quyết toàn bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp; (iii) Khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đầu tư sản xuất… để đáp ứng với những thay đổi của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang các thị trường khác cũng sẽ gặp khó khăn hơn; (iv) Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện ồ ạt theo hiệu ứng dây chuyền; (v) Một số biện pháp phòng vệ thương mại kéo dài hàng chục năm, kéo theo chi phí theo đuổi vụ việc tốn kém.

Một số khuyến nghị với Việt Nam

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế trong quá trình mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Trong bối cảnh bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị, nâng cao năng lực trong nước để ứng phó hiệu quả với những tác động tiêu cực từ các diễn biến của thương mại quốc tế. Theo đó, một số vấn đề đáng lưu ý gồm:

Đối với Nhà nước

Một là, cần tăng cường tính chủ động đối với công tác phòng chống các vụ kiện phòng vệ thương mại: Chính phủ cần tích cực triển khai đàm phán song phương, đa phương để nhiều nước thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam. Trên cơ sở rà soát tình hình sản xuất, xuất khẩu từng ngành hàng của Việt Nam và cơ chế chống bán phá giá của từng quốc gia, cơ quan chức năng cần lập danh mục các các ngành hàng và các mặt hàng Việt Nam có khả năng bị kiện để có sự phòng ngừa tránh cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan của Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, nhằm kiểm soát kim ngạch xuất khẩu trong thời gian cơ chế giám sát còn hiệu lực. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, ngay sau khi hạn ngạch được dỡ bỏ, hàng dệt may Trung Quốc vào Mỹ, EU đều có xu hướng tăng mạnh, do đó các thị trường này ngay lập tức tìm cách áp dụng hạn ngạch và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng dệt may Trung Quốc. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu, luật thương mại quốc tế, luật pháp liên quan đến bảo hộ mậu dịch của nước ngoài... và phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết nhằm tránh những sơ hở dẫn đến các vụ kiện.

Hai là, tăng cường đàm phán cấp Chính phủ trong giải quyết những tranh chấp thương mại: Việt Nam cần có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt thông qua các kênh ngoại giao, tiếp xúc trực tiếp nhằm chứng minh cho các đối tác và thế giới hiểu rõ năng lực sản xuất của Việt Nam, chứng minh về giá thành cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo đầy đủ yếu tố thị trường, không phá giá, không gian lận thương mại; Không nên đưa ra các biện pháp trả đũa bằng cách đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu công nghệ cao từ các quốc gia phát triển bởi các biện pháp này sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam, làm tăng chi phí nhập khẩu cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam.

Ba là, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kháng kiện trong khuôn khổ Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích quốc gia theo luật pháp quốc tế. Cơ quan chức năng xem xét thành lập quỹ trợ giúp theo đuổi các vụ kiện để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp kháng kiện; Cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin cần thiết về thủ tục kháng kiện, giới thiệu các luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho doanh nghiệp thắng kiện...

Bốn là, tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vi phạm để đảm bảo uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Đối với các hiệp hội

Một là, cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực kháng kiện; tăng cường các quy định về sự phối hợp, bảo vệ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ra các vụ kiện của nước ngoài.

Hai là, thiết lập cơ chế phối hợp trong tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện.

Ba là, tổ chức cho các doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về giá cả, định hướng phát triển thị trường, những quy định pháp lý của nước sở tại về vấn đề bảo hộ mậu dịch... để các doanh nghiệp kháng kiện có hiệu quả, giảm bớt tổn thất do thiếu thông tin.

Đối với các doanh nghiệp

Một là, đối với việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước: Để đối phó với nguy cơ bị áp dụng các biện pháp này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần: (i) Xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú trọng các thị trường lớn (Trung Quốc, Nhật Bản..), thị trường mới nổi (Hàn Quốc, Úc..), thị trường mới (Trung Đông, Nam Phi...).

Bên cạnh đó cần tăng cường khai thác thị trường nội địa. (ii) Nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của từng loại tranh chấp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện. (iii) Tính đến khả năng bị kiện khi xây dựng chiến lược xuất khẩu để có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi không phòng ngừa được. (iv) Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện; sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết; giữ liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp, kể cả việc đề nghị đàm phán các hiệp định có cam kết không áp dụng, hoặc hạn chế áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa, bày tỏ quan điểm đối với các nước áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa Việt Nam, yêu cầu bồi thường quyền lợi thương mại khi nước khác áp dụng biện pháp tự vệ.

Hai là, đối với việc ứng phó với các biện pháp kỹ thuật của nước nhập khẩu: Đa số các biện pháp kỹ thuật ở các thị trường được áp dụng một cách ổn định, thường xuyên và liên tục. Hàng hóa từ tất cả các nguồn đều phải đáp ứng các điều kiện này. Vì vậy, về nguyên tắc, không có biện pháp phòng tránh hay đối phó mà chỉ có biện pháp duy nhất là tuân thủ. Việc tuân thủ các biện pháp này đòi hỏi những thay đổi quan trọng không chỉ với hàng hóa thành phẩm xuất khẩu mà cả quá trình nuôi trồng, khai thác nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển sản phẩm. Thực tế cho thấy, hàng rào kỹ thuật không đơn giản chỉ liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, mà còn bao gồm nhiều vấn đề khác như môi trường sinh thái, trách nhiệm xã hội, xuất xứ hàng hoá... Chính vì vậy, đối với hàng hóa xuất khẩu, cần phải quan tâm từ khâu nguyên liệu đến lúc tạo ra thành phẩm hoàn hảo, đủ tiêu chuẩn bán ra nước ngoài.

Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các tiêu chí về kỹ thuật như áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000; áp dụng bộ ISO 14000 bao gồm những vấn đề lớn về môi trường như quản lý, đánh giá môi trường, đánh giá chu trình sản phẩm và các hoạt động khác; áp dụng tiêu chuẩn HACCP đối với nhóm hàng thực phẩm đặc biệt là hàng thủy sản nhập khẩu; áp dụng tiêu chuẩn SA 8000 với các yêu cầu về quản trị trách nhiệm xã hội do Tổ chức Trách nhiệm xã hội quốc tế ban hành.

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Đại Lược (2017), “Những điều chỉnh lớn trong chính sách kinh tế của các cường quốc những năm gần đây”, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới, Số 8 (256), Tháng 8/2017.;
  2. Nguyễn Thành Long (2017), “Ảnh hưởng của một số hiện tượng bảo hộ thương mại nổi bật trong thời gian gần đây và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam”, Kỷ yếu Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017.;
  3. Bản tin kinh tế số 9 ngày 15/6/2018, Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao.;
  4. Simon J. Evenett and Johannes Fritz (2015), The 18th Global Trade Alert Report, The Tide Turns? Trade, Protectionism, and Slowing Global Growth.;
  5. WTO 4 July 2018, Repoert on G20 Trade measures (mid-October 2017 to mid-May 2018);
  6. Credit Suisse (2017), Santitarn Sathirathai và Michael Wan, US Border Adjustment Tax - How It Could Disrupt Asia.;
  7. BMI research (11/2016), Trump Presidency: Implications For South East Asia.