Xu hướng nào cho thị trường bất động sản?
Nhiều chuyên gia nhận định, COVID-19 hay nhìn rộng ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản sẽ gặp không ít khó khăn nhưng cũng nhanh chóng lấy lại “phong độ” thậm chí có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Điều quan trọng là nhìn thấy cơ hội để đầu tư. Cơ hội đó đến từ sự hỗ trợ giải pháp, nhất là chính sách của chính quyền, sự tích cực thay đổi và hoàn thiện chất lượng dự án đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp, đảm bảo tính pháp lý của công trình và dự án.
Hơn nữa, với xu hướng phát triển công nghệ và đa dạng hóa hình thức đầu tư bất động sản của các tập đoàn lớn, thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Thị trường bất động sản sẽ có khả năng phục hồi cao sau dịch bệnh ? .(Ảnh: HNV) |
Sàng lọc nhà đầu tư bất động sản
Thống kê sơ bộ cho thấy, nếu phân khúc bất động sản bán lẻ, căn hộ và nghỉ dưỡng bị thiệt hại nặng thì bất động sản nhà ở chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Nhu cầu mua ở và đầu tư ở phân khúc này chỉ mới giảm giá nhẹ từ 5-7%. Do lượng cung đất nền ngày càng khan hiếm, các dự án sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Không phủ nhận, sự lo ngại của người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu trên thị trường. Thực tế này đã thúc đẩy khách hàng đi tìm những kênh đầu tư mới ăn toàn và bền vững hơn. Và đây cũng là lúc thích hợp để công nghệ của các tập đoàn lớn phát huy điểm mạnh. Theo đó, trên nền tảng tích hợp đa phương tiện, lần đầu tiên khách hàng có thể thực hiện toàn bộ quá trình mua nhà từ xa với lợi ích "3 nhất" bao gồm tiện nhất, nhanh nhất và chi phí thấp nhất. Gần đây có thể kể đến dịch vụ điện tử Vinhomes Online hay Sunshine App, một giải pháp công nghệ tài chính được đánh giá là sẽ tác động trực tiếp đến thị trường giao dịch bất động sản truyền thống.
Thực tế cho thấy, các bước tiến về công nghệ sẽ được hỗ trợ bởi việc 66% dân số Việt Nam là người dùng internet với thời gian sử dụng trung bình mỗi ngày là 6 tiếng 42 phút; khoảng 45% người sử dụng điện thoại di động kết nối 3G và 4G. Trong khi đó, đối với các kiều bào, dịch COVID-19 đang có tác động rõ nét đến các quyết định đầu tư. Với 5 triệu kiều bào trên khắp thế giới, sau khi dịch bệnh kết thúc, dự kiến sẽ có một làn sóng đầu tư bất động sản mới từ kiều bào khi lượng người về Việt Nam tránh dịch ngày càng tăng.
Vì vậy, với việc đón đầu xu hướng đầu tư bất động sản, các ứng dụng và sàn thương mại điện tử của các tập đoàn lớn hứa hẹn sẽ mang lại sự thu hút cho cả nguồn vốn từ trong và ngoài nước.
Cũng phải khẳng định rằng, bất kể là thời điểm nào, bất động sản luôn là một kênh bảo vệ tài sản tốt và mang lại giá trị sinh lời cao. Lý giải điều này, giới chuyên gia bất động sản cho rằng: trước sự biến động chưa có điểm dừng của thị trường, trên tất cả các lĩnh vực thì bất động sản vẫn mang đến sự an tâm và có nhiều lựa chọn hơn so với các loại hình đầu tư khác. Đơn cử, nếu đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, thành bại của nhà đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Nhà đầu tư chỉ có thể lựa chọn giữ hoặc bán, trong khi với bất động sản, chủ sở hữu có nhiều lựa chọn khác như để ở, cho thuê hoặc bán.
Hơn nữa, giai đoạn này, thị trường bất động sản đang có sự sàng lọc cần thiết để giới đầu tư xác định các nhà phát triển uy tín, tìm kiếm được những dự án thực sự tốt. Đây cũng được xem là cơ hội để sở hữu bất động sản bởi dự báo đầu tư bất động sản trong những năm tới sẽ khó khăn vì mức giá đã tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, khi chọn lĩnh vực, nhà đầu tư cần có định hướng rõ ràng, nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, lựa chọn các dự án có pháp lý hoàn thiện, sản phẩm hiện hữu để không “ăn trái đắng”.
Rõ ràng, rất dễ để nhận thấy, khi các kênh đầu tư hạn hẹp và bị đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh, bất động sản vẫn là kênh an toàn và có khả năng sinh lời cao.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc từng phân khúc. Hiện nay, phân khúc trung cấp trở xuống gồm nhà ở xã hội, nhà bình dân thì nhu cầu còn rất lớn. Tuy cầu lớn nhưng từ đầu năm tới nay hầu như thị trường gần như như tê liệt nên tạm thời bị nén lại, nén lực cầu lại. Đây là phân khúc căn hộ có nhu cầu thật vẫn có thanh khoản tốt, không sợ "đứng hình".
Giải pháp hỗ trợ thị trường trong tác động của COVID-19
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới kinh tế nhiều nước trên thế giới và khu vực. Tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Một số doanh nghiệp yếu về tài chính đã không có nguồn thu để trả lương cho người lao động và thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn cho Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng, những doanh nghiệp có thể tích lũy vốn thì cũng đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai đầu tư dự án.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế nói chung, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong đó cũng chú ý tới thị trường bất động sản với nhiều giải pháp cấp bách trước mắt và giải pháp lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, như: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội; giải pháp về khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2).
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản.
Có thể thấy, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về thể chế, tài khóa, tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại giá rẻ - coi đây là giải pháp tạo đà, “kích thích” sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.