Xu hướng thiết kế nội thất nổi bật năm 2020
Năm 2020 ngày một đến gần, đồng nghĩa với các xu hướng thiết kế nội thất mới cũng đang dần hình thành. Dưới đây là bốn xu hướng nổi bật được dự báo sẽ định hình lĩnh vực này trong thời gian tới.
Tương tác, vui tươi hơn
Ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ, muốn được giải trí và thể hiện cá tính khi ở nhà lẫn nơi làm việc. Các thương hiệu và nhà thiết kế đang nỗ lực đáp ứng tất cả nhu cầu này với một loạt thiết kế mang tính thử nghiệm, tương tác và vui tươi hơn. Đồ nội thất và phụ kiện sẽ kích thích sự sáng tạo, mang đến niềm vui khả năng thể hiện bản thân. Chủ nghĩa tối đa đang gia tăng, kích thích sự pha trộn và kết hợp các màu sắc sặc sỡ, hoa văn, họa tiết và hình dạng độc đáo.
Thương hiệu Seletti (Ý) đang đi theo hướng này khi trình làng những mẫu thiết kế nội thất ấn tượng, như đèn hình động vật, hoa văn quá khổ, sự pha trộn giữa nghệ thuật pop và các ảnh hưởng của phong cách Memphis. Trong khi đó, thương hiệu Vitra (Thụy Sĩ) sử dụng táo bạo nhiều màu sắc cơ bản, vật liệu và hình dạng hình học.
Bắt tay với công nghệ
Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), công nghệ sinh học và in 3D đang dẫn đến những câu hỏi quan trọng: Liệu công nghệ có thay đổi thiết kế hay không? AI có thay thế nhà thiết kế hay không? Công nghệ robot sẽ ảnh hưởng đến phong cách sống của chúng ta thế nào?…
Đối với các nhà thiết kế và công ty liên quan, tương lai dường như tập trung nhiều hơn vào sự cộng tác sáng tạo giữa các nhà thiết kế và thuật toán, thay vì thay thế các nhà thiết kế bằng AI.
Thương hiệu Kartell (Ý), nhà thiết kế người Pháp Philippe Starck và công ty phần mềm 3D Autodesk (Mỹ) đã hợp tác cho ra mắt chiếc ghế đầu tiên sẽ được tạo ra bởi AI và có sự hợp tác của con người. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một thuật toán để tạo ra một chiếc ghế sử dụng ít vật liệu nhất có thể trong khi vẫn mang lại sự thoải mái và đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm mỹ cần có.
Thiết kế vì sức khỏe và sự hạnh phúc
Thiết kế vì sức khỏe và sự hạnh phúc đang trở thành mục tiêu hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Các thương hiệu và nhà thiết kế đang tìm hiểu xem môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta thế nào. Một vấn đề được quan tâm không kém là công nghệ cùng với thiết kế nội thất có thể được sử dụng ra sao để cải thiện sức khỏe cho người sử dụng.
Các vật liệu mềm và xúc giác đang giúp ích cho xu hướng tích hợp công nghệ vào ngôi nhà theo cách tự nhiên và nhân văn hơn. Hãng nội thất IKEA (Thụy Điển) và công ty điện tử tiêu dùng SONOS (Mỹ) đang bắt tay để kết hợp hệ thống âm thanh với các sản phẩm nội thất. Đèn bàn SYMFONISK của họ được kết hợp ánh sáng và âm thanh để giúp ngôi nhà bớt thiết bị và dây điện.
Một hướng đi đáng chú ý khác là mang thiên nhiên vào ngôi nhà và nơi làm việc. Cuộc triển lãm Elle Décor at Work tại Ý hồi tháng 4-2019 đã giới thiệu một số không gian làm việc đem đến sự thoải mái về thị giác.
Thiết kế tuần hoàn
Với sự phổ biến của mô hình kinh tế tuần hoàn (trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu là kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường), thiết kế tuần hoàn đang trở thành một trong những ưu tiên của nhiều thương hiệu và nhà thiết kế.
Chất thải không còn được coi là vật liệu không mong muốn hoặc là mối đe dọa đối với môi trường. Thay vào đó, các nhà thiết kế đang tái sử dụng chất thải thành các nguồn tài nguyên giá trị để tạo ra các sản phẩm, thiết kế nội thất bền vững và tuần hoàn. Chẳng hạn như nhà thiết kế người Đức Alexander Schul đã tạo ra một loạt đồ nội thất như đèn, bàn, ghế… hoàn toàn từ nhựa tái chế, có thể dễ dàng được sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, nhà thiết kế người Ý Pietro Algranti tạo đồ nội thất và đồ vật gồm bàn, giường, đèn, ghế… bằng cách sử dụng các vật liệu bị hư hại hoặc bỏ đi, như gỗ tái chế, sắt, nhôm, đồng và đồng thau.
Vật liệu sinh học như cây gai dầu, rau, nấm, thực vật… cũng đang được tái sử dụng và biến thành những thiết kế ấn tượng và có thể phân hủy sinh học. Chẳng hạn như nhà thiết kế Luca Alessandrini và xưởng thiết kế HENRY & Co (Ý), tạo ra những đồ vật từ tài nguyên thiên nhiên như một bộ đồ làm bếp làm từ nhựa sinh học và vỏ cà chua bỏ đi. Những sản phẩm này được in 3D và có thể tái chế 100%.