Xử lý điểm nghẽn trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Các chuyên gia chỉ ra rằng nếu không có giải pháp đầu tư đúng mức cho giao thông kết nối liên vùng thì tốc độ tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ còn bị ảnh hưởng.
Các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt đầu mối chưa phát triển, chưa có đường sắt tốc độ cao; tình trạng quá tải diễn ra cả giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa.
Đây chính là điểm nghẽn cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các chuyên gia chỉ ra rằng nếu không có giải pháp đầu tư đúng mức cho giao thông kết nối liên vùng thì tốc độ tăng trưởng của vùng kinh tế động lực sẽ còn bị ảnh hưởng.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh là thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, tổng GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước.
Riêng quy mô GRDP của 4 tỉnh, thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu chiếm 87,64% GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thu ngân sách của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt khoảng 608.000 tỷ đồng, chiếm 42,6% tồng nguồn thu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của vùng đạt khoảng 6,72%/năm (thời kỳ 2016-2018).
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đánh giá là vùng động lực phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Mặc dù với vai trò là đầu tàu, đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lại chưa được đầu tư tương xứng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.
Tại hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa diễn ra mới đây diến ra tại Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, dẫn chứng, tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay trung bình 11km2 diện tích mới chỉ có 2,1km đường, trong khi theo chuẩn thì 1 km2 diện tích phải có 10km đường.
“Như vậy để đạt chuẩn 10km đường/km2, nếu với tốc độ xây đường của thành phố như vừa qua thì phải cần 50 năm nữa mới làm đủ đường. Đây là một khó khăn.
Cả nước có 800km đường cao tốc thì khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ có 91km, chiếm 11%. Một vùng tạo ra hơn 42% ngân sách cho cả nước, trong khi chỉ có 11% đường cao tốc, để thấy rằng vùng chưa được đầu tư tương xứng,” Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, một trong những vấn đề của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ trước đến nay vẫn chưa làm được đó là thiếu giao thông kết nối.
Giao thông kết nối chính là tiền đề giải quyết hai vấn đề quan trọng là: liên kết phát triển kinh tế và phát triển chuỗi vùng đô thị. Nếu như phát triển đô thị mà không có giao thông kết nối thì sẽ thất bại.
“ Tôi tâm tư rằng, với vùng kinh tế này, phải làm sao có được cao tốc. Chúng ta quy hoạch đường vành đai 2 với 64km. Hiện nay tuyến vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh mới chỉ là đường “vành khuyên,” chưa được bàn giao, chưa kết nối, ngoài ra, cao tốc thì chưa thấy,” tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, hiện tại giao thông đang là “điểm nghẽn” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Nếu trong tương lai, chúng ta không đầu tư đúng mức cho hệ thống giao thông thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ giảm dần và đi đến giai đoạn khó khăn,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An chắc chắn sẽ ùn tắc nghiêm trọng. Bộ trưởng cho rằng vì đô thị hóa, không thể mở rộng được các tuyến đường, trong khi ô tô thì ngày càng đông.
Do đó, cần phải có các giải pháp, đặc biệt là hình thành các tuyến cao tốc trong nội ô, có thể là đi trên cao để kết nối và tạo điều kiện phát triển giao thông đô thị. Nếu giao thông đô thị tắc nghẽn thì sẽ tạo thành điểm nghẽn lớn cho phát triển của khu vực.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển mạnh hơn, vấn đề đầu tiên là kết nối hạ tầng khu vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
“Để làm được điều này cần thay đổi quan điểm, giao thông vùng là phục vụ cho vùng và cho cả nước nên Trung ương và các địa phương cũng phải có trách nhiệm.
Ví dụ tuyến vành đai 3, lâu nay vẫn chờ kinh phí Trung ương nên đã báo cáo Quốc hội rồi; các địa phương trong vùng sẽ cùng nhau góp kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng và huy động vốn thêm.
Hoặc là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh đi Mộc Bài-Tây Ninh, nếu giữa Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thì có thể cho đền bù giải phóng mặt bằng, huy động vốn để triển khai,” Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Tiến sỹ Trần Du Lịch kiến nghị cần tập trung giải quyết hệ thống kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo phương thức chia tách. Phần nào giao thông quốc gia thì Bộ Giao thông Vận tải phải đưa ra lộ trình. Phần nào giao thông vùng thì các địa phương ngồi lại tính toán phương án, phải cụ thể từng dự án một, không thể quy hoạch một cách chung chung.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu 3 tuyến cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng gồm TP. Hồ Chí Minh-Tây Ninh; TP. Hồ Chí Minh đi Chơn Thành và TP. Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu.
“Đây là 3 tuyến giao thông huyết mạch cùng với các tuyến vành đai, nếu không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn trong kết nối của cả vùng,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết.