Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng trưởng xanh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có ranh giới gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng khoảng 40.604 km2 với trên 700 km bờ biển và khoảng 330 km đường biên giới Việt Nam – Campuchia.
Phân bố khu công nghiệp theo các khu vực trọng điểm. Cụ thể, các khu công nghiệp đa ngành của vùng chủ yếu phân bố tại các tỉnh Long An và Tiền Giang, thuộc khu vực tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh, với tổng diện tích khoảng 10.000 ha.
Trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản và năng lượng của vùng bố trí tại thành phố Cần Thơ với tổng diện tích các khu công nghiệp khoảng 1.500 - 1.800 ha, bao gồm các khu công nghiệp tại Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt.
Các trung tâm năng lượng, công nghiệp chế biến thủy sản với quy mô khoảng 2.000 - 2.400 ha phân bố chủ yếu tại tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu được phát triển gắn với các trung tâm điện lực, điện gió và khu kinh tế biển; Tại các tỉnh còn lại chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - ngư nghiệp, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp phục vụ địa phương.
Cần Thơ, Phú Quốc và Mỹ Tho là trung tâm du lịch của toàn vùng
Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước, có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Với dân số 17,5 triệu người, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% số lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Namvà 70% sản lượng trái cây cả nước.
Thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và văn hóa; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đảm bảo liên kết giữa các vùng, khu và điểm du lịch trên địa bàn vùng...; Hoàn thiện các trung tâm dịch vụ, cơ sở lưu trú, lữ hành kết nối với các vùng, khu, điểm du lịch trong vùng và các vùng lân cận khác, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của vùng.
Vì sao phải điều chỉnh quy hoạch?
Lý giải vì sao phải điều chỉnh quy hoạch, tại hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 4/8/2017, ông Nguyễn Việt Thắng – Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật – Việt Quy hoạch Xây dựng miền Nam cho biết, theo quy hoạch cũ, mô hình trước đây lựa chọn tập trung tăng cường với vùng đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và đối trọng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Tuy nhiên, điều này lại không khả thi với điều kiện của Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự báo trước đây không sát thực tế. Ví dụ, dự báo đô thị đến năm 2017 là 7,5 triệu người nhưng đến nay con số chưa đến 5 triệu. Hoặc dự báo công nghiệp lên tới 20 – 30 nghìn ha nhưng hiện nay cả vùng chỉ có 17 nghìn ha; trong đó, có khoảng 7-8 nghìn ha đã được xây dựng hạ tầng và chỉ có khoảng 4 nghìn ha đã đi vào hoạt động.
Khu vực dự kiến đô thị hóa rất lớn mà không phát huy được sẽ gây lãng phí lớn. Bởi vậy, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cấp thiết.
Đại điện cho đơn vị tư vấn RUA – Giáo sư Tiến sỹ quy hoạch Bruno De Meulder của trường Đại học Ku Leuven (Bỉ) cho hay, đồ án chọn hướng chia thành 6 khu vực nông nghiệp sinh thái để làm nổi bản sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra tiềm năng phát triển và nhất là tận dụng được tối đa món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Các vùng sinh thái nông nghiệp là cơ sở để phân vùng khai thác phát triển kinh tế và tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; không đi theo hướng phát triển hành lang đô thị mà lựa chọn phát triển đô thị gắn liền với sinh thái. Đặc biệt, khu vực này nên tận dụng lợi thế sông nước để phát triển các tuyến giao thông thủy, thay vì đầu tư quá nhiều cho các dự án cao tốc đường bộ lớn.