Xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp: Cần hoàn thiện các quy định pháp lý

PV.

(Tài chính) Xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp đã và được triển khai thực hiện một cách quyết liệt bằng sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan và của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã nảy sinh không ít khó khăn khiến cho tiến độ và hiệu quả xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp chưa cao, do vẫn còn những "khoảng trống" chính sách về hoạt động này.

DATC hiện đang "dốc sức" xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các DN thuộc Vinashin
DATC hiện đang "dốc sức" xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các DN thuộc Vinashin

Vực dậy nhiều doanh nghiệp
Trong bối xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế đất nước, thì tiến trình và kết quả tái cơ cấu luôn nhận được sự quan tâm cao của dư luận.

Khi nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều thách thức, những bất cập trong hoạt động của khối DN, trong đó, gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang lộ rõ. Hậu quả của thời gian dài chạy theo tăng trưởng nóng, sử dụng quá nhiều vốn vay, trong khi các dự án đầu tư không hiệu quả; công tác quản lý yếu kém; sản phẩm ứ đọng, không có đầu ra... là nhiều DN lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Nhiều DN không có nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn, trong đó, chủ yếu là các khoản vay của ngân hàng thương mại. Khi DN không có khả năng thanh toán nợ đến hạn, các ngân hàng cắt đứt quan hệ tín dụng, khiến DN không còn vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đối diện với nguy cơ phá sản. Việc có tổ chức đứng ra mua lại các khoản nợ, xử lý nợ của DN, được coi như giải pháp “tiếp máu” cho DN, giúp DN đang suy kiệt có thể hồi sinh và tiếp đó là tái cơ cấu giúp DN phát triển.

Thực tế, hoạt động xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN không còn là mới mẻ ở nước ta, hoạt động này đã được Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) triển khai thực hiện từ năm 2006 và đã mang lại khá những kết quả tốt đẹp khi vực dây nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, âm vốn sở hữu hàng trăm tỷ đồng.

Đánh giá về vai trò của công tác xử lý các khoản nợ để tái cơ cấu DN, ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC cho rằng: “Nếu ví quá trình tái cơ cấu tài chính của DN đang lâm vào tình trạng mất thanh khoản, đứng trước nguy cơ phá sản như một cuộc đại phẫu thì việc mua bán các khoản nợ được xem như giải pháp “tiếp máu”, giúp DN hồi sinh. Thực tế, nghiệp vụ “bà đỡ” của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã vận hành từ nhiều năm nay và đã giúp cho không ít DN vượt qua “cửa tử” để phát triển mạnh mẽ”.

Song hành cùng với việc vực dậy các DN đứng bên bờ vực phát sản, DATC cũng ngày càng vững vàng phát triển các nghiệp vụ mới trong bối cảnh hiện nay. Khi thành lập, DATC chỉ có 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, trong quá trình hoạt động đến nay đã bổ sung thêm vốn và hiện đã lên đến 2.481 tỷ đồng. Nghiệp vụ xử lý nợ gắn với tái cơ câu DN cũng trở thành hoạt động chính và quan trọng của DATC. Với hoạt động này, DATC đã tham gia tái cơ cấu hơn 100 DN. Nhiều DN trước khi tái cơ cấu có nợ quá hạn rất lớn, vốn chủ sở hữu gần như bị mất hết và đang đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau khi tái cơ cấu, nhiều DN đã ổn định và mở rộng hoạt động, sản xuất - kinh doanh có lãi, có nguồn để trả nợ.

Sau khi được tái cơ cấu, các DN đều có triển vọng tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tiếp theo, đã trả được phần lớn hoặc toàn bộ nợ cho các chủ nợ, nhiều DN đã tạo ra lợi nhuận cao chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được tái cơ cấu, điển hình như CTCP Sadico Cần Thơ (SDG), CTCP Đường Kon Tum (KTS), CTCP Mía đường Sơn La (SLS)... hiện ba DN này đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội. Các DN đang trong quá trình tái cơ cấu đã cân bằng được tài chính, bắt đầu có lãi và đã có nguồn trả nợ hoặc một số ít DN còn lỗ, nhưng mức lỗ đã giảm rất nhiều so với trước.

Tuy nhiên, thực trạng không có nghĩa là hành lang pháp lý cho hoạt động này đã được hoàn thiện, thuận lợi cho việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN. Để thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu DN, trong những năm qua DATC đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn của việc thiếu vắng các cơ chế chính sách, khiến việc thỏa thuận nội dung xử lý nợ, tái cơ cấu DN. Đặc biệt, trong bố cảnh hiện nay, quy mô tái cơ cấu rộng hơn với các DN cần xử lý nợ xấu lớn hơn rất nhiều thì các cơ chế, chính sách quy định cho nghiệp vụ này càng cần được hoàn thiện.

Khoảng trống cơ chế, chính sách

Hiện khung pháp lý hướng dẫn riêng cho hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN vẫn thiếu mà chưa được bổ sung. Do vậy, việc thống nhất, thỏa thuận với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, các tổng công ty về nội dung tái cơ cấu các DNNN không còn vốn nhà nước thông qua hoạt động mua, bán và xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn, không đồng nhất. Một số Bộ, ngành, UBND tỉnh áp dụng như đúng quy trình cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước. Trong khi đó, không ít Bộ, ngành, UBND tỉnh lại cho rằng các DNNN này không có vốn nhà nước làm vốn chủ sở hữu nhà nước nên vận dụng theo Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành để chuyển đổi sở hữu. Với nhiệm vụ được giao, DATC sẽ xử lý tồn tại tài chính tương đương với phần âm vốn chủ sở hữu. Sau đó, các nhà đầu tư chiến lược góp vốn trực tiếp cùng DATC thành lập công ty cổ phần và có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ và quyền lợi theo hiện trạng thực tế của doanh nghiệp.

Mặt khác, hoạt động tái cơ cấu DN của DATC thường do DATC tự xây dựng phương án trên cơ sở các kinh nghiệm tự tích lũy trong quá trình hoạt động tái cơ cấu DN, không có tiêu chuẩn, chuẩn mực cho hoạt động tái cơ cấu DN tại Việt Nam. Điều này dẫn đến một số phương án tái cơ cấu không đạt được mục tiêu, hiệu quả đề ra ban đầu. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu DN gắn với xử lý nợ thường được coi như hoạt động đầu tư tài chính thuần túy. Hoạt động này đòi hỏi phải có lợi nhuận ngay tại thời điểm đầu tư và lợi nhuận phải cao hơn mức lãi suất ngân hàng, dẫn đến khi xác định hiệu quả đầu tư thông qua tái cơ cấu DN của DATC thường không cao và bị đánh giá là không hiệu quả.

Bên cạnh đó, nội dung cơ sở pháp lý liên quan đến phương thức xử lý nợ chưa thực sự giải quyết hết tồn tại và khó khăn về tài chính cho các DN khách nợ. Cụ thể, sau khi mua nợ từ tổ chức tín dụng, DATC phải thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nợ cho DN như chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất và giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ. Hiện mức lãi suất áp dụng cho khách nợ không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ...

Do chưa có thông tư hướng dẫn riêng về hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN và qua thực tế diễn ra không có sự đồng nhất nên có thể xảy ra rủi ro về mặt pháp lý cho DATC. Ngoài ra, sau khi hoàn thành tái cơ cấu, các DN khách nợ được theo dõi trong danh mục đầu tư ra ngoài của DATC. Trong khi đó, việc xem xét đánh giá hoạt động đầu tư ngoài ngành thường căn cứ vào ngành nghề kinh doanh của DN có vốn đầu tư. Do đó, nếu DN tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bất động sản hay tài chính, DATC sẽ bị đánh giá là đầu tư trái ngành.

Đối với các quy định về giảm trừ nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp và quy định về mức xóa tối đa không quá âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của khách nợ. Các quy định này đã làm hạn chế và làm giảm hiệu quả của phương án tái cơ cấu DN. Vì nhiều DN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, việc xóa nợ bằng âm vốn chủ sở hữu không giải quyết được triệt để khó khăn của DN. Thực tế, dù được xóa nợ nhưng DN vẫn tiếp tục duy trì số lỗ lũy kế phát sinh trước thời điểm tái cơ cấu và vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước. Mức lãi suất thương mại đến từ 2-3% nên các DN này sẽ gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, bởi báo cáo tài chính vẫn phản ánh các chỉ tiêu tài chính yếu kém.

Thêm vào đó, cơ chế quản lý khoản đầu tư góp vốn bằng chuyển nợ, tài sản thành vốn góp chưa thích hợp với tính chất hoạt động của DATC. Việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại DN khách nợ là giải pháp để thu hồi vốn mua nợ, tài sản. Đây cũng có thể xem là hoạt động đầu tư ra ngoài DN của DATC theo đúng bản chất của nó. Thực chất, việc góp vốn bằng giá trị khoản nợ, tài sản đó là cho chủ sở hữu DN khách nợ. Chủ sở hữu đã đồng ý mua khoản nợ, tài sản đó với giá bằng giá trị khoản vốn DATC có trong DN. Không thể xem khoản vốn góp này khác với khoản vốn góp bằng tiền hay tài sản khác trong hoạt động đầu tư ra ngoài DN của DATC nên việc khống chế thời hạn góp vốn bằng các khoản nợ, tài sản mua theo thỏa thuận không quá 5 năm là không phù hợp.

Việc thoái vốn đầu tư hoặc thoái vốn và nợ tại DN tái cơ cấu đã thu hết giá vốn mua nợ, tổng thể phương án có lãi gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính của DATC, khi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tại các công ty cổ phần chưa niêm yết phải thực hiện đấu giá công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và phù hợp với giá thị trường. Việc xác định giá thị trường rất khó thực hiện do các công ty cổ phần có vốn đầu tư của DATC đều được hình thành thông qua tái cơ cấu DN nên gần như không có giao dịch trên thị trường. Nếu xác định giá bán theo sổ sách của doanh nghiệp, DATC sẽ phải mất thêm khoản chi phí không nhỏ để thuê thẩm định giá và không thể đưa ra giá bán thấp hơn mệnh giá do lo ngại về rủi ro pháp lý và cũng không thể thực hiện cơ chế bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư chiến lược dẫn đến thời gian thoái vốn và nợ kéo dài, mất cơ hội kinh doanh.

Trong quá trình DATC mua nợ có những khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc sau khi mua cùng với việc tái cơ cấu lại khoản nợ, DATC nhận giá trị quyền sử dụng đất thay cho khoản nợ của khách nợ như ở Công ty Cầu 7 Thăng Long, Công ty cổ phần Nông thủy sản 2, Công ty cổ phần Nhôm Khánh Hòa. Do DATC không có chức năng kinh doanh bất động sản nên DATC không được cấp phép khai thác tài sản, DATC phải bán quyền sử dụng đất để thu hồi vốn. Điều đó làm hạn chế hiệu quả hoạt động mua nợ, nhất là trong thời kỳ hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng như hiện nay.

Thực tế, trong bối cảnh hiện nay cũng đặt ra vấn đề là với số vốn gần 2.500 tỷ đồng trước bức tranh nợ tại Việt Nam hiện nay và nhiệm vụ đặt lên DATC cũng không nhỏ, DATC sẽ xoay sở ra sao?. Ông Phạm Thanh Quang thừa nhận “đúng là với số vốn gần 2.500 tỷ đồng của DATC so với nhu cầu thị trường nợ Việt Nam hiện nay là rất khiêm tốn. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, DATC buộc phải quy vòng đồng vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cụ thể, sau khi mua nợ, tham gia tái cơ cấu, DN hoạt động ổn định trở lại, chúng tôi tiến hành thoái vốn để thu hồi cả vốn lẫn lãi".

Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách cho hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN, không ít chuyên gia cũng kiến nghị rằng, cần nâng cấp DATC thành Tổng công ty xử lý nợ Việt Nam, cùng với việc tăng cường năng lực tài chính và có cơ chế hoạt động, xử lý nợ phù hợp để có thể giải quyết nhanh nợ xấu cho các DN, góp phần vào tiến trình tái cơ cấu DN.