Xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm thế giới dưới góc nhìn chuyên gia Việt Nam
(Tài chính) Thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến nợ xấu trong ngành ngân hàng, rồi dùng các từ ví von như: “cục máu đông” đang làm nghẽn dòng chu chuyển và lưu thông tiền tệ.
Thế giới đã xử lý nợ xấu như nào và những giải pháp gì cho Việt Nam học hỏi, theo TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, kinh nghiệm quốc và thực tế giải quyết cục máu đông tại Việt Nam đang được “đặt lên bàn cân” để học hỏi, cân nhắc.
Thế giới xử lý vấn nạn nợ xấu ra sao?
Còn nhớ khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á năm 1997 – 1998 đã giáng đòn mạnh vào hệ thống tài chính các quốc gia Châu Á, đặc biệt là 1 số nước công nghiệp mới (NICs). Thời gian này, các ngân hàng trung ương (NHTW) cũng đưa ra các nhóm giải pháp để kìm hãm khủng hoảng. Giải pháp ngắn hạn được nhắc đến là NHTW hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính nhằm bù đắp lượng tiền rút ra. Giải pháp này phát huy hiệu quả ở Hàn Quốc và Thái Lan, cùng với đó, chính phủ Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan đã áp dụng chính sách bảo hiểm toàn bộ đối với bên cho vay và đi vay nhằm tạo niềm tin vào hệ thống, duy trì thanh toán.
Đối với xử lý nợ, Hàn Quốc là nước đi đầu trong việc mở cán cân vãng lai, đàm phán lại với các ngân hàng ngoại để gia hạn thêm nợ. Bên cạnh đó, các nước Châu Á cũng mạnh tay đóng cửa các tổ chức tài chính mất thanh khoản, đưa các khoản nợ này về 1 đầu mối để xử lý, trong đó Thái Lan đã làm rất thành công. Trong chính sách dài hạn, các nước Châu Á cũng nhấn mạnh đến yếu tố xử lý nợ xấu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế… Mặc dù nợ xấu chưa phải vấn đề nghiêm trọng nhất trong Khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997 - 1998 nhưng đây là đợt tập duyệt đầu tiên cho các nền kinh tế đã và đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu thành công nhất phải kể đến các nền kinh tế Mỹ La Tinh như: Chile (1981), Mehico (1994) và Arigentina (2001). Các nền kinh tế trên đều gặp khủng hoảng tài chính lớn và Chính phủ các nước đều đứng ra mua lại nợ. Biện pháp này rất thành công ở Mexico, Chile.
NHTW Chile đã có chính sách tạm thời mua lại các khoản nợ xấu bằng tiền mặt để các ngân hàng đáp ứng thanh khoản. NHTW cho các ngân hàng vay với mức lãi suất ưu đãi, thậm chí không áp dụng lãi suất. Mexico thực hiện thành lập FOBAPROA nhằm bán lại tài sản của các ngân hàng được can thiệp nhằm khôi phục tối đa giá trị của tài sản và bảo vệ người gửi tiền. Quyền hạn chính của cơ quan này là thực hiện mua lại các khoản nợ xấu thông qua việc phát hành trái phiếu không lãi suất và thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Tổ chức này chủ yếu thực hiện chương trình đặc biệt về tái cơ cấu nợ cho các bên vay gồm giảm lãi suất, xóa nợ một phần, hỗ trợ cấp vốn lưu động mới và gia hạn nợ.
Tại Argentina một chương trình cơ cấu lại nợ được đưa ra và thực hiện đối với người vay trong nước, trong khi phần lớn các khoản nợ là nợ nước ngoài. Đồng thời, bên cạnh đó NHTW cũng áp dụng chương trình tái cấp vốn nhằm tăng vốn cho các ngân hàng. Việc tăng vốn được thực hiện theo nguyên tắc những cổ phiếu mới phát hành được cung cấp cho cổ đông hiện hữu và sau đó là các nhà đầu tư, số cổ phần còn lại được Chính phủ mua nhưng không vượt quá 49% tổng số cổ phiếu được phát hành. Đóng cửa các tổ chức tài chính không có khả năng để phục hồi. Trong cuộc khủng này, Chile đã thực hiện đóng cửa 8 trong tổng số 43 ngân hàng từ năm 1982 đến 1986. Ngoài ra, Chính phủ Mexico thực hiện quốc hữu hóa thông qua việc mua lại quyền kiểm soát hơn 12 ngân hàng và cố gắng tìm tổ chức mua lại tài sản xấu.
Đặc biệt, 1 nền kinh tế khá tương đồng với Việt Nam, đó là Trung Quốc vốn đã gặp phải nợ xấu, nhưng họ đã bước qua một cách ngoạn mục. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động nhằm giảm gánh nặng nợ xấu như: đóng cửa các tổ chức tài chính vừa và nhỏ mất khả năng thanh toán; tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước; thành lập 4 công ty quản lý tài sản, phát hành trái phiếu Chính phủ đặc biệt.
Việc NHTM bị mất khả năng thanh toán đã bị đóng cửa, đây là yếu tố thay đổi quan điểm “tổ chức tài chính sẽ không bao giờ đổ vỡ” ở Trung Quốc. Từ tháng 4/1999, 4 công ty quản lý tài sản đã được thành lập để giải quyết các khoản nợ xấu ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước bằng cách bán tài sản, thu hồi tiền hoặc xóa nợ trong trường hợp không thu hồi. Ngoài các nghiệp vụ tài chính, Trung Quốc còn sử dụng các nghiệp vụ khác như: chứng khoán hóa thông qua ủy thác và cho phép người bán giữ lại thặng dư; thu hồi nợ, bán hoặc cho thuê bất động sản, tái cơ cấu khoản nợ, và xử lý phá sản…
Góc nhìn của chuyên gia Việt
Nhìn vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam, theo TS. Thành thì có thể thấy các bước thực hiện đi theo lộ trình tương đối rõ ràng: Hỗ trợ và khôi phục thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Sáp nhập hoặc loại bỏ các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống ngân hang. Quá trình này được thực hiện trong các năm 2013-2014 và vẫn đang tiếp diễn. Như kinh nghiệm của tất cả các nước cần tái cơ cấu hệ thống NHTM, quá trình thu hẹp số lượng các tổ chức tài chính và ngân hàng đều diễn ra trong giai đoạn này.
Song song với hàng loạt biện pháp trên, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải khai báo đầy đủ và chặt chẽ các khoản nợ xấu. NHTM buộc phải trích lập dự phòng với các mức quy định cụ thể. Quá trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam có một nguyên tắc là không sử dụng ngân, đây là điều khác biệt so với các nước khi họ đều phải sử dụng nguồn lực từ Ngân sách hay khoản vay quốc tế. Có thể nói trọng tâm của thời điểm xử lý nợ là NHNN đã thực hiện thông qua hai biện pháp chính là: yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản nợ xấu nhất và thành lập VAMC để tập trung xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống.
Với mô hình VAMC: Đây là một nỗ lực của NHNN trong bối cảnh bị ràng buộc về nguồn lực nhằm hỗ trợ hệ thống ở hai khía cạnh: giải quyết các khoản nợ xấu theo hướng tập trung và chuyên môn hóa hơn và hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết. Tuy nhiên, do từ nửa cuối năm 2013, thanh khoản không còn là vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng, nên VAMC chỉ tập trung vào việc quản lý và rà soát các khoản nợ xấu trong tiêu chuẩn của VAMC.
Theo TS. Thành, do nhiều yếu tố đặc thì nên việc giải quyết chỉ có thể được thông qua một trong các lựa chọn sau đây: Chính phủ phải sử dụng một nguồn lực tài chính để tiếp sức cho hệ thống ngân hàng TM, tạm thời mua lại các khoản nợ xấu và tái cấp vốn cho những NHTM yếu kém và cần có sự hỗ trợ trực tiếp. Thay đổi mạnh mẽ các quy định pháp luật liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Trao thêm những quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các NHTM.
Sử dụng một phần nguồn lực của NHNN để trực tiếp xử lý các NHTM có vấn đề và các khoản nợ xấu có liên quan, có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng kém lành mạnh. Vay một khoản tiền thích hợp từ các tổ chức tài chính quốc tế và phối hợp với họ trong việc giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các khía cạnh có liên quan của nền kinh tế.
Dù áp dụng bất cứ giải pháp nào trong số các giải pháp nên trên, thì cũng cần lưu ý rằng việc giải quyết nợ xấu không phải là một việc riêng của NHNN và hệ thống NHTM. Đây là việc liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm của toàn bộ các cơ quan nhà nước khác, bao gồm cả Chính phủ và Quốc hội, cùng với hệ thống doanh nghiệp nói chung… Đồng thời, đây cũng là là quá trình huy động nguồn lực từ bên ngoài hệ thống ngân hàng để giúp hệ thống lấy lại cân bằng, xử lý nợ xấu, và phục hồi chức năng trung gian tài chính.