Xử lý thuế, tiền phạt chậm nộp thuế nguyên liệu sản xuất xuất khẩu
(Tài chính) Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 5414/TCHQ-TXNK trả lời công văn số 001/12/CV/XNK ngày 09/07/2012 của Công ty TNHH Vina Tarpaulin (Thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên, Bình Dương) về việc xin miễn, giảm tiền phạt chậm nộp thuế đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu và hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Theo đó, Công văn của Tổng cục Hải quan khẳng định:
1. Về tỷ lệ phạt chậm nộp thuế đối với số nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu từ năm 1995 - 1997:
Theo quy định tại Luật quản lý thuế, Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ thì việc miễn, giảm tiền phạt chậm nộp thuế là vượt thẩm quyền của Tổng cục Hải quan, đề nghị Công ty thực hiện theo đúng hướng dẫn tại điểm 1 và điểm 3 công văn số 17428/BTC-TCHQ ngày 22/12/2010 của Bộ Tài chính (nếu thời điểm Cục Hải quan Bình Dương xử lý là 0.05% và nộp tiền phạt chậm nộp trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bắt đầu chậm nộp. Trường hợp thời điểm xử lý phạt, Luật quản lý thuế chưa có hiệu lực thì tính phạt chậm nộp theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không tính lại phạt chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế)
2. Về cách tính phạt chậm nộp:
Đề nghị Cục Hải quan Bình Dương kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu và các tài kiệu liên quan để xác định ngày doanh nghiệp thực xuất sản phẩm và ngày doanh nghiệp nộp thuế, đối chiếu với quy định của văn bản có hiệu lực tại thời điểm ra quyết định xử phạt để xử lý theo đúng quy định.
3. Về việc hoàn lại cho công ty khoản thuế đã nộp đối với số nguyên liệu nhập khẩu không được xét hoàn thuế do hồ sơ thiếu một trong các chứng từ chứng minh hàng hóa đã thực xuất khẩu:
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 275/TCHQ-KTTT ngày 11/01/2007, số 2281/TCHQ-KTTT ngày 24/04/2007 hướng dẫn việc thực hiện; Do đó, ngoài tờ khai hải quan, vận tải đơn hoặc chứng từ vận chuyển xác định hàng hóa đã xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh - là các chứng từ bắt buộc phải kiểm tra để xác định hàng hóa thực xuất, có thể kiểm tra thêm các chứng từ khác liên quan của hồ sơ hải quan đã được nêu tại công văn số 275/TCHQ-KTTT, số 2281/TCHQ-KTTT) và kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán tại doanh nghiệp theo quy định về kiểm tra trước hoàn thuế sau như quy định tại Điều 128 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. Trường hợp kết quả kiểm tra xác định nguyên liệu nhập khẩu đã được đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu và đã thực xuất khẩu nhưng doanh nghiệp đã nộp thuế thì xử lý hoàn thuế cho doanh nghiệp và tính lại khoản phạt chậm nộp thuế theo đúng quy định. Trường hợp doanh nghiệp thiếu chứng từ thanh toán thì thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo quy định tại Điều 60 Luật quản lý thuế và Điều 128 Thông tư số 194/2010/TT-BTC.
4. Về số thuế tạm nộp 2.162.735.875 đồng công ty đã nộp theo kế hoạch trả dần để giải tỏa cưỡng chế.
Theo trình bày của Công ty, số nguyên liệu nhập khẩu (từ năm 1995 - 1997) đã nộp thuế và đã được đưa vào sản xuất và xuất khẩu. Công ty đã thanh khoản với Cục Hải quan Bình Dương. Do đó, đề nghị Cục Hải quan Bình Dương kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu và các chứng từ liên quan nếu xác định hàng đã thực xuất khẩu như Công ty trình bày thì xử lý hoàn thuế và xử phạt chậm nộp theo đúng quy định.
5. Về việc cấn trừ tiền phạt chậm nộp với tiền thuế được hoàn:
Việc cấn trừ tiền phạt chậm nộp phải nộp và số tiền thuế còn được hoàn (nếu có) thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan Bình Dương , do đó đề nghị Công ty liên hệ Cục Hải quan Bình Dương để đề xuất phương án giải quyết theo quy định tại Điều 47 Luật quản lý thuế, khoản 14 Điều 1 Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010, Điều 131 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/10/2010 của Bộ Tài chính.
6. Về việc giải tỏa cưỡng chế:
Đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bình Dương phối hợp với Công ty TNHH Viana Tarpaulin xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, phạt chậm nộp của Công ty theo quy định. Việc giải tỏa cưỡng chế là vượt thẩm quyền của Tổng cục Hải quan.