Xuất hiện những “lỗ hổng” trong hệ thống tài chính toàn cầu
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây cho thấy, kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm 2020 và đã xuất hiện những “lỗ hổng” trong hệ thống tài chính.
Hệ thống tài chính toàn cầu không rơi vào khủng hoảng nhưng xuất hiện những “lỗ hổng”
Báo cáo của VEPR cho biết, bối cảnh biến động toàn cầu trong những năm gần đây và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và khó dự đoán. Mức giảm ước tính của kinh tế thế giới trong năm 2020 là 4,3%, trong đó các nền kinh tế phát triển chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức sụt giảm ít hơn. Đại dịch cũng làm giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xét trong cả thập kỷ 2020-2029 (World Bank, 2021).
Tương ứng với sự thu hẹp trong sản lượng toàn cầu, việc làm và thu nhập cũng giảm mạnh. Giãn cách xã hội tại nhiều nước đã khiến thị trường lao động toàn cầu bị gián đoạn với quy mô chưa từng có trong lịch sử, cao hơn 4 lần so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Thu nhập từ lao động toàn cầu (trước khi có các biện pháp hỗ trợ thu nhập của các chính phủ) trong năm 2020 dự kiến giảm 8,3%; tương ứng với 3,7 nghìn tỷ USD hay 4,4% GDP toàn cầu năm 2019.
Thị trường hàng hoá cũng gặp cú sốc lớn nhưng tác động là khác nhau đối với các loại hàng hóa khác nhau. Cụ thể, giá năng lượng sụt giảm nhiều nhất nhưng sau đó đã hồi phục nhanh chóng, giá nông sản chỉ thay đổi nhẹ và giá kim loại có sụt giảm nhẹ vào đầu năm nhưng sau đó liên tục tăng nhanh, trở thành một hiện tượng nổi bật trong ăm 2020.
Đặc biệt, Báo cáo của VEPR nhận định, hệ thống tài chính không rơi vào khủng hoảng nhưng đã xuất hiện những “lỗ hổng”. Phản ứng tích cực của ngân hàng trung ương các nước đã giúp cho hệ thống tài chính toàn cầu không rơi vào khủng hoảng trong năm 2020. Tuy nhiên, những “lỗ hổng” trên thị trường này càng ngày càng hiện rõ nét.
Cụ thể, mức nợ ngày càng tăng và bảng cân đối kế toán ngân hàng ngày càng yếu. Điều này diễn ra đúng trong thập kỷ mà nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục là 230% GDP vào năm 2019, càng làm dấy lên sự lo ngại về làn sóng nợ thứ tư trên toàn cầu.
Thương mại và đầu tư quốc tế cũng bị ảnh hưởng sâu sắc và suy giảm trầm trọng. Cả thương mại hàng hoá và dịch vụ đều giảm tốc trong năm 2020, tương ứng là -7% và -20%, đặc biệt là ngành du lịch và vận chuyển. Dòng FDI toàn cầu cũng giảm tới 35%, từ 1,53 nghìn tỷ USD vào năm 2019 xuống gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020 - đây là mức thấp nhất kể từ năm 2005 và thấp hơn khoảng 20% so với mức đáy năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (UNCTAD, 2021).
Mức nợ ngày càng tăng và bảng cân đối kế toán ngân hàng ngày càng yếu. Điều này diễn ra đúng trong thập kỷ mà nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục là 230% GDP vào năm 2019, càng làm dấy lên sự lo ngại về làn sóng nợ thứ tư trên toàn cầu.
Trong bối cảnh trên, chính phủ các nước đã có nhiều phản ứng chính sách để ứng phó với đại dịch bằng cách mở rộng tài khoá để tăng chi tiêu cho y tế, trợ cấp thu nhập và tăng chi trả phúc lợi cũng như trợ cấp tiền lương cho các công ty.
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước cũng thực thi một loạt các chính sách tiền tệ khác nhau nhằm củng cố thị trường tài chính và giảm thiểu tác động kinh tế bất lợi của đại dịch. Các chính sách thương mại và các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cũng được sử dụng để đối phó với đại dịch. Do các phản ứng chính sách nhanh chóng và kịp thời mà nền kinh tế thế giới đã có sự phục hồi đáng kể vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, theo VEPR, nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020 còn có thể thấy điểm nổi bật là sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất và xu hướng tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu. Hoạt động sản xuất đã bị ngưng trệ ở phần lớn các quốc gia từ tháng 3/2020 khi các nước thực hiện các biện pháp kiềm chế sự lây lan của đại dịch. Tuy nhiên, thời gian sau đó sản lượng toàn cầu đã tăng do các biện pháp hạn chế được nới lỏng và các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Đã có nhiều dự đoán rằng các hãng sẽ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, tuy nhiên, với vị thế là “người chơi thống trị” trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều sản phẩm, Trung Quốc đã không chứng kiến làn sóng dịch chuyển này. Mặc dù vậy, trong tương lai, một số công ty lớn đã có kế hoạch dịch chuyển/thay đổi một phần sản xuất sang các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Kinh tế toàn cầu sáng hơn trong năm 2021 nhưng về trung hạn còn nhiều bất định
Theo hầu hết các dự báo của các tổ chức quốc tế, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn trong năm 2021 nhưng không đồng đều giữa các khu vực và vẫn còn nhiều bất định. Cùng với các phản ứng chính sách hiệu quả và kịp thời của nhiều quốc gia, việc triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng đã làm cho triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021 và ở mức 4,4% vào năm 2022; theo Ngân hàng Thế giới, mức tăng trưởng sẽ đạt 4% vào 2021.
Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các nền kinh tế và khu vực trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dự kiến diễn ra ở Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng điều này sẽ không đủ để nâng các nền kinh tế còn lại trên thế giới (UN, 2021). Triển vọng kinh tế của các nước Nam Á, Châu Phi cận Sahara, Châu Mỹ Latinh và Caribe vẫn còn mong manh và không chắc chắn do số ca lây nhiễm vẫn gia tăng và tốc độ tiêm chủng vắc xin không theo kịp.
Với rủi ro đại dịch kéo dài và không đủ không gian chính sách để kích cầu, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang đối mặt với viễn cảnh một thập kỷ mất mát. Đối với nhiều nước đang phát triển, sản lượng kinh tế chỉ được dự đoán là sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022 hoặc 2023 (UN, 2021).
Về trung hạn, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn rất bất định do ảnh hưởng dài lâu của đại dịch cũng như những bất ổn vốn đã tồn tại trong nền kinh tế trước đại dịch. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ở mức trung bình ở mức 3,3% trong trung hạn.
Đại dịch làm trầm trọng thêm các rủi ro liên quan đến làn sóng nợ toàn cầu đã kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, nhờ các phản ứng chính sách chưa từng có, cuộc suy thoái do COVID-19 có khả năng để lại những vết sẹo nhỏ hơn so cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên theo thời gian tới khi niềm tin, tiêu dùng và thương mại dần được cải thiện cùng với quá trình tiêm chủng đang diễn ra - chìa khoá chính giúp thế giới chống lại đại dịch và đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại con đường phục hồi bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu cao (UN, 2021).