Xuất khẩu 2008 và xu hướng 2009: Gồng mình trong "bão" tài chính

TS. Lý Minh Khải

TCTC - "Cơn lốc" khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ, lan rộng ra khắp thế giới đã và đang trực tiếp tác động tới Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực xuất khẩu.Mặc dù nhìn tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có bước cán đích ngoạn mục trong năm 2008, nhưng lĩnh vực này đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong năm 2009.

Năm 2008: Vượt lên giữa những "biến số"

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ chính thức "bùng nổ" trầm trọng từ trung tuần tháng 9/2008, đánh dấu bằng một loạt các ngân hàng, công ty tài chính hàng đầu nước này phá sản hoặc bị thâu tóm. Nó nhanh chóng tràn sang châu Âu, châu Á và "lây lan" khắp thế giới kèm theo hậu quả nguy hại là suy thoái kinh tế diễn ra trên bình diện rất rộng. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này giảm sút mạnh. Phá sản, đình đốn sản xuất và thất nghiệp đang nổi lên đe dọa các cường quốc kinh tế hàng đầu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 vẫn "cán đích" bởi bên cạnh những "biến số" nghịch, chúng ta được lợi từ cả những "biến số" thuận.   
 
"Biến số" nghịch của giảm sút tốc độ tăng trưởng, khởiphát từ quý III/2008 bởi "đòn" từ "bão" tài chính. Nếu như xuất khẩu của Việt Nam tháng 7/2008 đạt 6,5 tỷ USD thì tháng 8/2008 chỉ còn 6 tỷ USD, tương ứng với tỷ lệ giảm 8,1%; rồi giảm mạnh hơn xuống gần 5,3 tỷ USD trong tháng 9/2009, với tỷ lệ giảm 12,4%; tiếp tục xuống 5 tỷ USD, với tỷ lệ giảm 4,4% trong tháng 10; giảm rất mạnh xuống còn 4,2 tỷ USD, tương ứng với tỷ lệ giảm 16,4% trong tháng 11/2008 và đạt 4,9 tỷ USD trong tháng 12/2008. Bình quân từ tháng 8 đến tháng 12/2008, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu của ta đã giảm xuống thấp hơn so với tháng trước 320 triệu USD, tương ứng tốc độ giảm bình quân 5%/tháng. Trong đó kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước giảm 5,5%/tháng; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 4%/tháng, nếu tính cả dầu thô, trong khi cùng thời gian này năm 2007, kim ngạch xuất khẩu bình quân của ta tăng 80 triệu USD/tháng. Tính ra, kim ngạch xuất khẩu quí IV/2008 chỉ còn gần 14,2 tỷ USD, giảm hơn 3,6 tỷ USD, tương ứng với 20,6% so với quí III/2008 và chỉ còn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2007, trong khi quí III/2008 còn tăng 44,8%. Từ đây, có thể thấy tuy cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế có tính toàn cầu mới chính thức nổ ra từ 4 tháng nay và Việt Nam không nằm trong vùng tâm xoáy nhưng cũng đã chịu ảnh hưởng rất lớn mà kim ngạch xuất khẩu cuối năm 2008 là điển hình nhất.
 
"Biến số" thuận từ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2008, đã giúp xuất khẩu của Việt Nam có một năm cán đích ngoạn mục. Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cuối quí III và toàn quí IV/2008 liên tục giảm mạnh, nhưng do quán triệt được chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu ngay từ đầu năm 2008 nên nhìn chung kim ngạch xuất khẩu của cả năm vẫn đạt rất cao. Tính ra, tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008 đã đạt gần 30 tỷ USD, tăng 31,7%; quí III đạt 17,8 tỷ USD, tăng 44,8% và tính chung cả 9 tháng đã đạt gần 46,7 tỷ USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ 2007. Từ đó tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn đạt gần 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007.
 
Đóng góp vào thành quả đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28 tỷ USD, chiếm 44,5% tổng số và tăng 34,7% so với năm 2007; khu vực FDI đạt 34,9 tỷ USD, chiếm 55,5% (kể cả dầu thô), tăng 25,7% so cùng kỳ 2007. Đây là tốc độ tăng trưởng ngoạn mục từ trước tới nay. Nếu không bị "cơn bão" tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động xấu những ngày cuối năm thì kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2008 chắc chắn sẽ còn cao và ấn tượng hơn nữa. Tuy nhiên, với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu năm 2008 vẫn lập kỷ lục mới và đánh dấu một năm phát triển mạnh mẽ nhất trong hàng chục năm qua.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 2001 - 2008 chia theo khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI như sau:

 
2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
2008
Tổng kim ngạch (tỷ USD)
15,0
16,7
20,1
26,5
32,4
39,8
48,6
62,9
% tăng trưởng so năm trước
+3.8
+11.2
+20.6
+31.4
+22.5
+3.8
+21.5
+29.5
+KVKT trong nước(tỷ USD)
8,2
8,8
 10,0
12,0
13,9
16,8
20,8
28,0
% tăng trưởng so năm trước
+7.3
+7.3
+13.1
+20.1
+15.8
+21.
+23.7
+44.6
+Khu vực FDI (tỷ USD)
6,8
7,9
10,2
14,5
18,6
23,0
27,8
34,9
% tăng trưởng so năm trước
-0.2
+15.8
+29.1
+42.6
+28.1
+24.1
+20.7
+34.8
Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu theo khu vực kinh tế 2001 - 2008
           
 
"Biến số" giá góp phần làm nên sự thành công khi cùng với số lượng thì hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã được lợi về giá trong nửa năm đầu 2008. Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm qua, dù bắt đầu giảm mạnh từ tháng 9/2008 và giảm rất mạnh trong quí IV/2008. Cụ thể, từ 1,25 tỷ USD trong tháng 8/2008, xuất khẩu dầu thô đã giảm xuống chỉ còn 810 triệu USD trong tháng 9/2008; giảm còn 669 triệu USD (17,4%) trong tháng 10/2008; xuống 465 triệu USD, (30,5%) trong tháng 11/2008 và đạt 550 triệu USD trong tháng 12/2008. Những tháng cuối năm, do giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm đã làm cho giá và kim ngạch xuất khẩu "vàng đen" của Việt Nam "tụt dốc" ghê gớm, dù về khối lượng, từ tháng 8 đến tháng 11/2008, chúng ta vẫn xuất ổn định từ trên 1 triệu tấn đến 1,2 triệu tấn/tháng (cá biệt tháng 12/2008 đã xuất đến 1,6 triệu tấn). Tuy nhiên, nhờ từ đầu năm đến tháng 8/2008, giá dầu liên tục tăng rất cao, có lúc lên tới 147 USD/thùng nên cả năm 2008, thu từ bán dầu thô vẫn đạt gần 10,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với với năm 2007 và đóng góp được 13,7% vào tăng trưởng xuất khẩu chung cả năm. 
 
Gạo là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đứng thứ 5, chiếm 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và đã phải chịu sự giảm sút mạnh nhất về giá trị từ giữa quí III đến tháng 12/2008. Nếu như tháng 7/2008, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 424 triệu USD thì tháng 7/2008 giảm xuống chỉ còn 290 triệu USD (giảm 31,6%) và tháng 11/2009 chỉ còn 136 triệu USD. Dù trong tháng 12/2008, xuất khẩu gạo nhích lên 180 triệu USD, cao hơn tháng 10 và 11 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu gạo quí III/2008 đã giảm 5% so với quí II/2008 và quí IV/2008 đã giảm đến 52,8%, tức giảm quá nửa so với quí III. Tương tự dầu thô, sự rớt giá kỷ lục của gạo xuất phát từ giá bình quân tháng 12/2008 so với tháng 6/2008 đã giảm đến 49,6%. Tuy nhiên, do trong 6 tháng đầu năm 2008, giá xuất khẩu tăng cao nên cả năm vẫn tăng đáng kể. Bởi vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2008 vẫn đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 94,8% so với với cùng kỳ năm 2007 và đóng góp được hơn 9,8% vào tăng trưởng xuất khẩu chung. 
 
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 2 sau dầu thô, chiếm 14,2% kim ngạch xuất khẩu chung, cũng liên tục giảm từ giữa quí III đến hết năm: Từ 932 triệu USD trong tháng 7/2008, xuất khẩu dệt may đã giảm xuống 831 triệu USD trong tháng 9/2008, còn 780 triệu USD trong tháng 10 và 690 triệu USD tháng 11/2008. Dù tháng 12/2008, giá trị xuất khẩu có nhích lên 820 triệu USD, cao hơn tháng 10 và 11 nhưng vẫn thấp hơn nhiều tháng trước đó. Điều đáng mừng là tốc độ giảm không lớn nên ước tính cả năm vẫn đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2007 và đóng góp được 4,9% vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
 
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 4 sau dầu thô, dệt may và giày dép, cũng "chịu chung số phận" từ cuối quí III/2008, khi từ 484 triệu USD trong tháng 8/2008, xuống 364 triệu USD trong tháng 10/2008 và chỉ còn đạt 360 triệu USD trong tháng 12/2008. Tuy kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã liên tục giảm thấp từ tháng 9 đến tháng 12/2008, nhưng do kết quả xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng cao, nên ước tính cả năm vẫn đạt gần 4,6 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 21,2% so với năm 2007 và đóng góp 5,6% cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.
 
Cao su là một trong 11 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD cũng đi từ "đỉnh" 216 triệu USD trong tháng 7/2008, xuống "đáy" 104 triệu USD trong tháng 11/2008, trước khi "bật lên" 120 triệu USD trong tháng 12/2008. Do được lợi về giá cho nên lấy cao bù thấp, kim ngạch cả năm vẫn đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2007 và đóng góp được 1,4% cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
 
Hạt điều cũng là một trong các mặt hàng xuất khẩu có vị trí quan trọng, đã từ 104 triệu USD trong tháng 7/2008, xuống còn 65 triệu USD trong tháng 11/2008 và ước tính đạt 75 triệu USD trong tháng 12/2008. Mặc dù liên tục giảm trong 5 tháng cuối năm nhưng do đã tăng cao trong 7 tháng đầu năm nên kim ngạch xuất khẩu cả năm ước tính vẫn đạt 920 triệu USD, chiếm 1,5% kim ngạch xuất khẩu chung, tăng 40,7% so với năm 2007 và đóng góp được 1,9% cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
 
Than đá là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2008 và cũng chịu sự trồi sụt lớn nhất trong 6 tháng cuối năm. Từ  giá trị xuất khẩu đạt 173 triệu USD trong tháng 7/2008, sản lượng và giá trị xuất khẩu của than đã "down" mạnh nhất trong những mặt hàng chủ lực khi tháng 11/2008 chỉ còn 45 triệu USD. Nguyên nhân hoàn toàn không phải do giá như nhiều mặt hàng khác mà là do khối lượng xuất không ổn định còn giá xuất khẩu than vẫn luôn tăng ở mức khá cao. Do đó, dù khối lượng than xuất đã giảm đến 38,3%, nhưng do giá xuất tăng cao nên ước tính kim ngạch xuất cả năm vẫn đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2007 và đóng góp được 3,1% cho tăng trưởng xuất khẩu chung năm 2008.
 
Ngoài ra còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng liên tục giảm xuống từ giữa hoặc cuối quí III/2008, giảm mạnh trong quí IV/2008, như cà phê bình quân từ tháng 8 đến 12/2008 đã giảm 16,1%/tháng; rau quả cũng giảm 4,6%/tháng; sản phẩm đá quí, kim loại quí giảm 6,4%/tháng; túi xách, vi, valy, mũ, ôdù giảm 4%/tháng; sản phẩm mây, tre, cói, thảm giảm 2,9%/tháng; gỗ, sản phẩm gỗ giảm 2,2%/tháng; sản phẩm gốm sứ giảm 1,3%/tháng; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 1,1%/tháng; dây điện và cáp điện giảm 2,1%/tháng; sản phẩm nhựa giảm 2,5%/tháng; xe đạp, phụ tùng xe đạp giảm 4%/tháng…Chỉ có rất ít mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch không lớn như dầu mỡ động, thực vật vẫn tăng 12,5%/tháng; hạt tiêu tăng 7,9%/tháng; chè tăng 9,6%/tháng; đồ chơi trẻ em tăng 9,3%/tháng…
 
Năm 2009 - Nỗ lực vượt khó
 
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đến nay vẫn chưa có tín hiệu kết thúc; bức tranh kinh tế thế giới bước vào đầu năm 2009 chưa có điểm sáng hé mở. Thực trạng suy thoái và khó khăn về kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn thế giới chắc chắn còn tiếp tục kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2009, sự hồi phục có được hy vọng chỉ trong 6 tháng cuối năm. Bởi vậy, xuất khẩu Việt Nam chưa thể có chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm 2009 và ít nhất cũng phải từ cuối quí II, nếu không muốn nói "bão" tài chính đến Việt Nam chậm và sẽ ở lại Việt Nam lâu hơn như một số chuyên gia nhận định. Dễ dàng nhận thấy yếu tố giá cả hàng hóa xuất khẩu trong năm 2009 rất khó tăng trở lại như mặt bằng đầu năm 2008. Ngoài ra, với các mặt hàng xuất khẩu lớn khác như may mặc, giày dép, thủy sản thì thị trường chủ yếu (Mỹ, EU, Nhật Bản) lại đang bị ảnh hưởng của "bão" tài chính và suy thoái kinh tế nặng nề nhất, đó là chưa kể đến những rào cản kỹ thuật, những vụ kiện bán phá giá vẫn luôn xảy ra tác động tiêu cực đến xuất khẩu nước ta.     

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức rất lớn thì xuất khẩu Việt Nam năm 2009 vẫn có những cơ hội thuận lợi nhất định. Trước hết, do hàng hóa xuất khẩu của nước ta đa phần là hàng thiết yếu và bình dân, do vậy cho dù các nước nhập khẩu có suy giảm kinh tế, tiết giảm tiêu dùng thì cũng rất khó có thể giảm mạnh nhập khẩu các mặt hàng dạng này. Thứ hai là chúng ta vẫn còn có nhiều "khe cửa" khác để chuyển hướng xuất khẩu, như các thị trường Trung Đông, châu Phi, châu Đại Dương, Mỹ Latinh… lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ, hơn nữa các khu vực này lại ít bị ảnh hưởng từ "bão" tài chính và suy thoái kinh tế ... Thứ ba, về mặt chủ quan, chúng ta cũng đã sớm nhận thức được những khó khăn của nền kinh tế nói chung, lĩnh vực xuất khẩu nói riêng trong năm 2009 này và Chính phủ đã sớm đề ra được nhiều giải pháp để khắc phục. Đặc biệt, 5 nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội năm 2009 của Chính phủ đã rất chú ý đến tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và tạo mọi điều kiện để xuất khẩu không bị giảm sút quá lớn.    
 

Với những khó khăn thách thức đang chờ đợi trước mắt cùng với những cơ hội thuận lợi có thể phát huy được, thì mục tiêu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2009 có lẽ đấu giữ được ở mức như cùng kỳ năm 2008 đã là thắng lợi, còn mục tiêu tăng trưởng 13% cả năm nên tập trung trong 6 tháng cuối năm khi "bão" tài chính giảm bớt cường độ tác động, bức tranh kinh tế thế giới dấu hiệu phục hồi.