Xuất khẩu - cuộc chơi chính của FDI
Số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn toàn cầu là một điểm đáng mừng. Tuy nhiên, các xu thế chính, bao gồm mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vai trò hạn chế của khu vực trong nước, tiếp tục là vấn đề đáng suy nghĩ.
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu vẫn là cuộc chơi chính của khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước “quanh quẩn” với nhập khẩu hàng hóa cho tiêu dùng trong nước như thường lệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 157,63 tỷ USD và khu vực FDI (kể cả dầu thô) chiếm đến 3/4 số đó (116,74 tỷ USD).
Nhìn sâu vào cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chính càng thấy rõ hơn mức độ “thống lĩnh” của doanh nghiệp nước ngoài: điện thoại và linh kiện chiếm 99,2%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 92,6%; giày dép chiếm 82,4%; hàng dệt may 63,5%.
Nhìn từ phía nhập khẩu, tính chung 6 tháng, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Sẽ cần phân tích chi tiết hơn cơ cấu hàng nhập khẩu nhưng bản thân con số nhập siêu chỉ rõ: vai trò sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đang thuộc về khu vực FDI; ngược lại, vai trò nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là hàng tiêu dùng phục vụ thương mại trong nước đang thuộc về khu vực doanh nghiệp trong nước. Điều này gián tiếp cho thấy điểm yếu trong cơ cấu của nền kinh tế, khi năng lực sản xuất phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước dường như bị thu hẹp trong phạm vi “làm thương mại”.
Tất nhiên, làm thương mại và dịch vụ tốt không phải là “vấn đề”. Rủi ro nằm ở chỗ, với một nền kinh tế quy mô dân số 100 triệu dân, sự phụ thuộc lớn vào năng lực sản xuất của nước ngoài sẽ đặt ra rủi ro nếu môi trường kinh tế - chính trị toàn cầu có những biến động lớn.
Nếu doanh nghiệp nước ngoài rút lui, doanh nghiệp trong nước sẽ không bù đắp được khoảng trống về sản xuất hàng hóa. Và nhìn rộng hơn, năng lực khoa học, công nghệ của một quốc gia có quan hệ tương hỗ với năng lực sản xuất. Nếu sản xuất trong nước yếu, nghĩa là những nền tảng cho sự phát triển bền vững của cả quốc gia là có vấn đề.
Thực ra những điểm yếu mang tính cơ cấu như đã phân tích ở trên hoàn toàn không phải là vấn đề mới. Xu hướng này đã được nhìn nhận và cảnh báo trong suốt 10 năm qua. Những con số mới cập nhật chỉ là tiếp tục khẳng định thêm rằng “bài toán” vẫn chưa có lời giải hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng GDP tiếp tục được duy trì cho phép gỡ đi một gánh lo, tuy nhiên sự lạc quan cần ở mức thận trọng. Trong nửa cuối năm, Covid-19 tấn công các “thủ phủ” của FDI và xuất khẩu, gồm khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… là một nỗi lo lớn.
Nhưng đồng thời, sự mất cân đối về cơ cấu của nền kinh tế - bài toán lớn và dài hạn - vẫn đặt trên bàn của Chính phủ và cần ưu tiên cả nguồn lực lẫn sự nỗ lực để có lời giải đúng.