Xuất khẩu dầu của Mỹ tăng vọt do các vụ tấn công trên Biển Đỏ
Khu vực Biển Đỏ kết nối với kênh đào Suez, mối liên kết thương mại giữa châu Á và châu Âu, giờ đây đương đầu với rủi ro bị tấn công quá lớn. Các tàu vận chuyển hàng trên khắp thế giới buộc phải chuyển hướng sang Mũi Hảo Vọng tại Nam Phi.
Các cuộc tấn công vào tàu thương mại trên khu vực Biển Đỏ của lực lượng Houthi hiện đang gây ra nhiều rối loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên xuất khẩu dầu của Mỹ đang hưởng lợi.
Thế giới đang sử dụng dầu đá phiến Mỹ ngày một nhiều. “Đó là bởi nguồn năng lượng đó an toàn và rẻ hơn, đặc biệt với khách hàng tại Liên minh châu Âu (EU)”, giám đốc điều hành bộ phận năng lượng tại công ty chứng khoán Mizuho - ông Robert Yawger phân tích.
Do ảnh hưởng từ các vụ tấn công của lực lượng Houthi, nhiều tàu đang chuyển hướng khỏi khu vực Biển Đỏ. Khu vực Biển Đỏ kết nối với kênh đào Suez, mối liên kết thương mại giữa châu Á và châu Âu, giờ đây đương đầu với rủi ro bị tấn công quá lớn.
Các tàu vận chuyển hàng trên khắp thế giới buộc phải chuyển hướng sang Mũi Hảo Vọng tại Nam Phi, tuy nhiên hành trình này dài và tốn kém hơn.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang lựa chọn mua dầu từ Mỹ chứ không phải Trung Đông. Xuất khẩu dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 29/12/2023 tăng 35% lên gần 5,3 triệu thùng dầu/ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Tính từ khi lực lượng Houthi bắt đầu tấn công vào khu vực Biển Đỏ, đây là lần đầu tiên xuất khẩu dầu tại Mỹ tăng mạnh.
Ông Yawger dự báo xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ duy trì ở ngưỡng trên 5 triệu thùng dầu/ngày trong những tuần sắp tới khi mà căng thẳng địa chính trị leo thang.
Chuyên gia Bank of America dự báo giá dầu Brent sẽ ở ngưỡng trung bình khoảng 80 USD/thùng trong năm nay.
Trong năm 2023, giá dầu thô giao hợp đồng tương lai hạ hơn 10%. Giá dầu chịu ảnh hưởng bởi các biến động địa chính trị cũng như nỗi lo về tồn kho dầu tại nhiều nước sản xuất dầu lớn của thế giới.
“Chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi ảnh hưởng từ cục diện thị trường, các yếu tố địa chính trị và chính sách của OPEC”, chuyên gia Bank of America nhấn mạnh trong nghiên cứu.
Nhóm OPEC+ hiện đang cung ra thị trường thế giới ước tính khoảng 6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 6% tổng nguồn cung của toàn cầu.
Phân tích của Bank of America cho rằng không nên đánh giá thấp cam kết của Saudi Arabia với thị trường dầu, Bank of America dự báo giá dầu Brent sẽ có thể duy trì trong ngưỡng 70-90 USD/thùng bởi sản lượng từ các nước ngoài OPEC tăng, ngoài ra triển vọng nhu cầu bi quan.
Phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu hạ sâu sau khi Saudi Arabia quyết định hạ giá bán dầu chính thức với các loại dầu giao tháng 2/2024. Thông tin này khiến cho nhà đầu tư giảm sự quan tâm đến căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của quốc tế, hạ 3,9% xuống 75,70 USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai, hạ 4,7% xuống 70,37 USD/thùng.
Chính quyền Riyadh đã quyết định hạ giá bán dầu chính thức sang châu Á 2 USD/thùng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhiều khả năng đang chật vật để bán hết lượng dầu tồn.
Với các khu vực khác trên thế giới, Saudi Arabia công bố giảm giá bán dầu từ 1,5 đến 2 USD/thùng. Động thái của Saudi Arabia khiến nhiều nhà đầu tư dự báo về khả năng bản thân nước này đang gặp khó trong việc giành được sự đồng thuận trong nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh, đồng thời bản thân Saudi Arabia cũng không muốn đơn phương mất thị phần để hỗ trợ cho giá dầu.
“Saudi Arabia đang đặt mục tiêu duy trì sức cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ và tạm thời đang ưu tiên giữ thị phần”, chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng SEB - ông Bjarne Schieldrop phân tích.