Xuất khẩu dệt may khó cán đích

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Đà giảm sâu từ tháng 8, luỹ kế 9 tháng ngành dệt may xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, như vậy mục tiêu đặt ra cho năm 2021 là 39 tỷ USD khó hiện thực.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Ngành dệt may bước vào mùa cao điểm sản xuất, xuất khẩu với số lượng đơn hàng tăng mạnh và các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Trung Quốc đều phục hồi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp thời gian qua. 

Làn sóng COVID-19 lần này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp, khiến cho hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu dệt may sụt giảm nghiêm trọng. 

Kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành trong tháng 8 giảm xấp xỉ 15% so với tháng 7 và gần 2,7% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, tình hình chưa mấy cải thiện khi xuất khẩu chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm trên 9% so với tháng 8 và 10,5% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 9 tháng, dệt may xuất khẩu ước khoảng 25 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm 14,9% so với tháng 7/2021 và giảm 10,8% so với tháng 8/2020, đạt 2,65 tỷ USD. Tuy nhiên, cộng dồn 8 tháng kim ngạch vẫn tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 21,11 tỷ USD, chiếm 9,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước. 

Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 13,22 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Trong các thị trường xuất khẩu chính, thị trường Mỹ luôn đứng đầu về tiêu thụ hàng dệt may của Việt Nam, đạt 10,52 tỷ USD, chiếm 49,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 9,9%, tăng 6%; tiếp đến thị trường Nhật Bản đạt 2,08 tỷ USD, chiếm 9,9%, giảm 9,5% và sang Hàn Quốc đạt 1,78 tỷ USD, chiếm 8,4%, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 4,9% trong tổng kim ngạch, đạt tỷ USD, tăng 23,9%; thị trường Trung Quốc chiếm 4,2%, đạt 895,54 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung xuất khẩu hàng dệt may trong 8 tháng đầu năm 2021 sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8/2021- Nguồn VITIC
Các thị trường xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8/2021- Nguồn VITIC

Khó đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021 

Qua tháng 9, tình hình chưa cải thiện mấy khi xuất khẩu dệt may chỉ đạt trên dưới 3 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với tháng 8 và tăng 4,1% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 9 tháng, xuất khẩu dệt may vẫn đạt khoảng 25 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần bằng kim ngạch cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài khiến tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may có xu hướng giảm dần trong từng quý.

Hiện nay, dù đại dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao tại các tỉnh phía Nam, nhất là tại Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang - những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trong các khu công nghiệp. Và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác và thiếu hụt lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo nghiên cứu trong tháng 9/2021 của Hiệp hội dệt may (Vitas) và Hiệp hội da giày, ước tính có khoảng 1 triệu lao động (chiếm 1/3 lao động toàn ngành) bị ảnh hưởng do nghỉ việc, nghỉ luân phiên, không lương và tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập. 

Vitas đã đưa ra dự báo, trong tình huống xấu nhất kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay sẽ đạt trên, dưới 34 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu ngành dệt may xuất khẩu 39 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm rất khó thực hiện.

Theo Chủ tịch Vitas, để toàn ngành dệt may có thể quay lại hoạt động ngay trong tháng 10 và thu hút được lực lượng lao động trở lại làm việc, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của bộ máy chính quyền thì vaccine vẫn là yếu tố quyết định và công nhân phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đáng lạc quan là Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong thời gian tới, tạo điều kiện mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững.

Theo Bộ Công Thương, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với da giày. Thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, tuy nhiên sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường này đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. 

Sau 25 năm tăng trưởng ngoạn mục thì từ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đã chịu tăng trưởng âm 9,2%, chỉ đạt 29,8 tỷ USD so với 32,8 tỷ USD năm 2019, và có nhiều khả năng ngành dệt may khó đạt được mục tiêu 39 tỷ USD đề ra hồi đầu năm nay.