Dệt may đối diện nguy cơ đứt gãy nguồn cung
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến doanh nghiệp (DN) dệt may gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn nhân lực, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Mặc dù các DN đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách, nhưng nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, DN sẽ đối diện tình trạng mất khách hàng, giảm thị phần, thậm chí là đóng cửa, dừng sản xuất.
Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, tín hiệu tích cực của thị trường trong sáu tháng đầu năm đã giúp Vinatex đạt lợi nhuận hơn 620 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch năm, tăng 230% so cùng kỳ năm trước và vượt 60% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Tuy nhiên, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách và mỗi địa phương lại có cách thức vận dụng khác nhau khiến khả năng vận hành, điều phối, hỗ trợ DN rất khó khăn, nhất là các tỉnh, thành phố phía nam, nơi DN chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Ðể bảo đảm hiệu quả sản xuất, một số DN đã tổ chức sản xuất theo phương thức “ba tại chỗ” nhưng hiệu quả không như mong muốn. Nhiều DN cố gắng đảm trách thêm phần giao hàng, tăng nguồn lực gia công, sử dụng nguồn lực nằm ngoài khu vực giãn cách,… để sớm hoàn thành hợp đồng theo yêu cầu.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, trong những tháng đầu năm, nguồn hàng về nhiều, DN bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động. Thế nhưng, diễn biến bất lợi của dịch COVID-19 khiến DN thiếu hụt nguồn nhân lực để duy trì sản xuất và đang phải đối diện nhiều nguy cơ, thách thức mới như chi phí, cạnh tranh về nhân công giữa các ngành hàng ngày càng tăng. Chỉ cần một trường hợp nhiễm bệnh sẽ bị cách ly, buộc giãn cách toàn bộ nhà máy, khu vực sản xuất. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, một phần lớn lượng đơn hàng sẽ bị đối tác chuyển sang các nước khác.
Thực tế vừa qua, ngay khi dịch bệnh xảy ra ở khu vực phía nam, sản xuất bị gián đoạn, nhiều đối tác đã chuyển đơn hàng đi nơi khác khiến DN bị thiệt hại về kinh tế và đối diện nguy cơ giảm thị phần, thậm chí không còn đơn hàng để sản xuất. Hiện nay, May 10 đã xây dựng phương án “ba tại chỗ” nhằm xử lý tình huống và bảo đảm hiệu quả sản xuất tại các cơ sở ở Hà Nội, tận dụng trường cao đẳng, mầm non, ký túc xá thuộc hệ thống May 10 cho khoảng 700 người trong tổng số 2.000 người. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ để giải quyết các đơn hàng gấp.
Còn về lâu dài, DN mong mỏi đại dịch sớm được khống chế, dập tắt để yên tâm đầu tư, tổ chức sản xuất. Ðồng quan điểm, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương khẳng định, từ tháng 7 trở đi là thời điểm căng thẳng với các DN dệt may. Nếu dịch bệnh không được khống chế, bị dừng sản xuất vài tuần, một tháng thì DN sẽ mất hơn 10% doanh thu. Mặc dù đơn hàng không thiếu nhưng điều đáng lo ngại khi DN không làm kịp trả hàng theo hợp đồng sẽ bị phạt hoặc thay đổi phương thức vận chuyển khác với chi phí lớn hơn rất nhiều so với trước.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt rất nhiều áp lực. Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều DN phía nam phải đóng cửa, hơn nữa, người lao động đang ồ ạt rời khỏi khu vực phía nam về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Ðông Nam Bộ và các tỉnh phía bắc, đến khi DN mở cửa trở lại có thể chỉ 65% số công nhân quay trở lại làm việc.
Việc triển khai tiêm vắc-xin cho người lao động hiện nay rất cần thiết để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng. Vitas kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá thực trạng các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân nhằm bảo đảm ổn định sản xuất của DN.
Chủ tịch HÐQT Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định, để giữ chân khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng, việc làm, tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19 sớm cho người lao động chính là giải pháp căn cơ và lâu dài giúp DN ổn định và phát triển.
Thực tế cho thấy, nhiều DN đã tổ chức làm việc “ba tại chỗ” nhưng việc duy trì sản xuất theo phương án này không được lâu dài. Nguyên nhân do lực lượng lao động tham gia đăng ký ở lại nhà máy không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được từ 10% đến 20% tổng số lao động của nhà máy, năng suất lao động giảm.
Trong khi việc tổ chức theo phương thức này làm gia tăng nhiều chi phí cho nên chỉ được coi là giải pháp trong ngắn hạn từ ba đến bốn tuần để có thể hoàn thành nốt các đơn hàng đã ký với khách hàng nhằm giảm thiệt hại. Ðặc biệt, lo ngại về việc xuất hiện ca F0 trong nhà máy làm gián đoạn sản xuất, có thể phá hỏng toàn bộ những cố gắng mà DN đang thực hiện...
Chính vì vậy, các DN đang cố gắng bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho công nhân; tập trung cải thiện năng suất lao động trong những tháng cuối năm với giải pháp tổng hợp cả quản lý - công nghệ, thiết bị - đãi ngộ công nhân viên; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho năm tới với các kịch bản khác nhau, lường hết tình huống xấu nhất khi chưa hết dịch và khả năng khách hàng chuyển đi nơi khác.
Từ đó, có kế sách ứng phó phù hợp, nghiên cứu loại hình hợp đồng, sản xuất đáp ứng điều kiện kinh doanh mới, không chỉ ưu tiên FOB (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm),... nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.