Xuất khẩu gạo - Khởi sắc đầu năm
Kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018 đã tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch và giá trị.
Tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 1/2018, kim ngạch XK gạo cả nước đạt 450.000 tấn, thu về 214 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 49,6% về trị giá so với tháng 1/2017. Giá XK gạo trung bình trong tháng 1/2018 đạt mức 486,2 USD/tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 3,9% so với tháng 12/2017.
Đối với các thị trường, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng đầu năm 2018, Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, đạt 144.890 tấn với giá XK đạt 444,5 USD/tấn, chiếm 29% trong tổng lượng gạo XK cả nước, tăng mạnh 68,6% về lượng và tăng 97% về kim ngạch so với tháng 1/2017. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với kim ngạch đạt 114.215 tấn, tương đương 56,21 triệu USD, chiếm 23% trong tổng lượng gạo XK của cả nước; Giá gạo XK sang Trung Quốc đạt 492,1 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm nay, kim ngạch XK gạo sang Indonesia đạt 57.000 tấn, tương đương 27,16 triệu USD – đứng thứ 3 trong những thị trường lớn nhất của hạt gạo Việt, chiếm trên 11% tổng lượng gạo XK của cả nước; giá XK cũng tương đối cao với 476,6 USD/tấn. Kết quả này có được là do Việt Nam đã trúng thầu XK 141.000 tấn gạo sang Indonesia ở đợt mở thầu 346.000 tấn do Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog) tổ chức cuối tháng 1/2018. Đây là kết quả đáng ghi nhận vì 2 năm qua, Indonesia không nhập khẩu gạo.
Bên cạnh đó, XK gạo sang các thị trường khác như Irắc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Malaysia… cũng đạt kim ngạch tăng cao trong tháng đầu năm.
Tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao
Cùng với sự gia tăng về kim ngạch và giá trị, theo Bộ Công Thương, cơ cấu gạo XK đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK.
Đơn cử như năm 2017, lượng gạo thơm XK tăng cao do Irắc và Ả Rập Xê út đẩy mạnh nhập khẩu loại gạo này với con số lần lượt là 30.000 tấn và 18.780 tấn. Tương tự, gạo lứt XK tăng do Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu 12.000 tấn trong tháng 10/2017. Các sản phẩm gạo thơm, gạo nếp… cũng được ưa chuộng trong tháng đầu tiên của năm 2018.
Còn báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, năm 2016, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp XK chiếm 7,27% tổng khối lượng XK toàn ngành và gạo trắng phẩm cấp trung bình chiếm 13,41%. Đến năm 2017 đã giảm khá nhiều với các con số tương ứng là 3,88% và 8,24%.
Theo dự báo của các chuyên gia, hiện nay, các loại gạo đặc sản, gạo nếp, gạo japonica ngày càng chiếm tỷ lệ cao và đóng vai trò quan trọng hơn trong tỷ trọng XK toàn ngành gạo Việt Nam. Các thị trường trọng điểm của nước ta như Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà… được dự báo tiếp tục là những thị trường nhập khẩu phần lớn gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Do đó, dù diện tích đang dần thu hẹp (vụ thu - đông 2017 đã giảm khoảng 40.000 ha) nhưng nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh việc đưa các loại lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 6976, OM 4218, Long Hồ 8 và lúa thơm như Đài Thơm 8, Jasmine… vào sản xuất.
Nhằm tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa và nâng cao tỷ lệ gạo chất lượng cao, các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt phải xây dựng được cánh đồng lớn, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp XK gạo. Có như vậy mới đảm bảo sản xuất bền vững, sản xuất hạt gạo chất lượng cao, đồng nhất, không pha tạp.
Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020, gạo trắng cấp thấp và trung bình nhỏ hơn 20%, trắng cao cấp 25%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica khoảng 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao, phụ phẩm khác khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng cấp thấp và trung bình chỉ còn khoảng 10%; gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp chiếm 25%...