Xuất khẩu gạo tăng 5%, đạt 3,27 tỷ USD năm 2021
Năm 2021, diện tích gieo trồng lúa giảm khoảng 39 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020. Lượng gạo xuất khẩu chỉ tương đương năm ngoái nhưng giá trị thu về tăng gần 5%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt tương đương năm 2020 với giá trị mang về trên dưới 3,27 tỷ USD, tăng 4,8% so với nắm ngoái. Diễn biến này cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đi đúng hướng giảm khối lượng, tăng giá trị xuất khẩu nhờ nâng cao chất lượng.
Philippines vẫn luôn là thị trường xuất khẩu chủ đạo
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2021 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines sụt giảm mạnh 23% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 10/2021, đạt 210.222 tấn, tương đương 106,54 triệu USD. Đứng sau Philippines là thị trường Trung Quốc cũng giảm 4% cả về lượng và kim ngạch, đạt 75.830 tấn, tương đương 34,87 triệu USD.
Tính chung 11 tháng năm 2021, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 2,3 triệu tấn, tương đương 1,18 tỷ USD, giá trung bình 510,6 USD/tấn, tăng 18,7% về lượng, tăng 29,3% về kim ngạch và tăng 8,9% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 38,8% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc đứng thứ hai với khối lượng xuất khẩu đạt gần một triệu tấn, giá trị xuất khẩu 494,72 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 494,8 USD/tấn, tăng 32,9% về lượng, tăng 14,6% về kim ngạch nhưng giảm 13,8% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 17,4% trong tổng lượng và chiếm 16,3% trong tổng kim ngạch.
Thị trường Ghana đứng thứ 3 đạt 608.786 tấn, tương đương 356,85 triệu USD, giá 586,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 20,2%, 30,7% và 8,7% so với cùng kỳ, chiếm 10,6% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Đáng chú ý, trong 11 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo xuất khẩu sang Bangladesh tăng rất mạnh 8.617 % về lượng, tăng 10.082% kim ngạch, tăng 16,8% về giá, đạt 53.261 tấn, tương đương 32,19 triệu USD, giá 604 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực (VFA) kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex group cho rằng hoạt động vẫn diễn ra như hàng năm, tuy nhiên trong năm nay có tốt hơn. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tất cả đã đi vào ổn định nên lưu thông vận chuyển hàng hóa thông thoáng hơn.
Nhưng khó khăn lớn nhất của ngành lúa gạo bây giờ là lợi nhuận của người nông dân bị giảm rất mạnh do giá các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu tăng một cách đột biến, đặc biệt là giá phân bón. Đó là điều lo lắng nhất. Nếu như giá phân bón không tăng mạnh sẽ không làm tăng giá thành sản xuất, thu nhập của người trồng lúa không giảm mạnh như năm qua.
Xu hướng năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành gạo
Nhận định về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo năm 2021, Phó chủ tịch VFA cho rằng về mặt lý thuyết thì không thể đoán định gì về thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2022, vì đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp cùng với việc biến thể Omicron đang hoành hành nhiều khu vực trên thế giới mà đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xác định cụ thể mức độ nguy hiểm của biến thể này.
Nhưng trước tình hình dịch bệnh như thế thì nhu cầu lương thực thực phẩm trên toàn cầu vẫn sẽ ổn định. Để đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân chắc chắn chính phủ các nước sẽ phải quan tâm đến lương thực và tăng cường dự trữ kho gạo quốc gia.
Như vậy, xu hướng năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực trong đó có gạo, và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định như 2021 thậm chí cao hơn, vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn tăng. Thứ hai, như trên, để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân các nước nhập khẩu gạo phải ổn định tồn kho trong nước, nên kiểu gì cũng phải tăng nhập khẩu gạo để nâng dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên vấn đề còn tùy thuộc Việt Nam mất mùa hay được mùa. Nếu được mùa mà giá xuất khẩu tăng sẽ có lợi cho người nông dân, vì xu hướng chung là người nông dân đang giảm dần sản xuất gạo trắng thông thường giá bán thấp, chuyển sang trồng các loại gạo cấp cao giá bán cao.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2021 sản xuất lúa đạt sản lượng đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn, mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.
Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77%. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 499,3 USD/tấn năm 2020 lên trên 526,9 USD/tấn năm 2021.