Quy định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ ảnh hưởng đến cả thị trường châu Á


Khi mà thời tiết không thuận lợi cho việc canh tác, giá gạo lên cao nhất trong nhiều năm và cuộc tổng tuyển cử năm 2024 sắp đến gần, chính quyền New Delhi đã lựa chọn ưu tiên tiêu thụ nội địa và đảm bảo giá gạo trong nước thấp.

Quy định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ có thể gây ra khó khăn trên các thị trường gạo khắp khu vực.
Quy định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ có thể gây ra khó khăn trên các thị trường gạo khắp khu vực.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong tháng trước đã gây sốc thị trường gạo nhiều nước tại châu Á, đẩy lạm phát tháng 8/2023 tăng gần 10% lên ngưỡng cao nhất trong 15 năm.

Châu Á sản xuất và tiêu thụ ước tính khoảng 90% tổng lượng gạo toàn cầu, Chính phủ các nước trong khu vực đã chuẩn bị sẵn sàng trước nỗi lo về lạm phát và nguồn cung trong bối cảnh cung thị trường chịu ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan và thiếu phân bón.

Chính phủ Philippines áp dụng quy định nâng giá bán gạo từ đầu tháng 9/2023 và nhiều khả năng sẽ sớm xem xét lại quy định về thuế nhập khẩu gạo bởi chi phí tăng cao ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo.

Khi mô hình mùa vụ ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết kiểu El Nino được dự báo tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, dưới đây là những điều cần biết liên quan đến quyết định thắt chặt nguồn cung gạo ở châu Á:

Lý do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới chủ yếu đưa gạo sang những nước như Việt Nam hay Philippines.

Khi mà thời tiết không thuận lợi cho việc canh tác, giá gạo lên cao nhất trong nhiều năm và cuộc tổng tuyển cử năm 2024 sắp đến gần, chính quyền New Delhi đã lựa chọn ưu tiên tiêu thụ nội địa và đảm bảo giá gạo trong nước thấp.

Theo thông báo chính thức từ Bộ phụ trách các vấn đề tiêu dùng, thực phẩm và phân phối, đại diện cơ quan này cho biết họ buộc phải cấm xuất khẩu gạo trắng bởi giá gạo nội địa trong xu hướng tăng.

Tại sao tình trạng thiếu cung lại tệ hại đến vậy?

Quy định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ gây ra rối loạn trên các thị trường gạo khắp khu vực.

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, giá gạo tại nội địa tăng gần 20% chỉ riêng trong tuần sau tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ.

Giá gạo tại Thái Lan tăng chạm mức 21.000 bath tức 597USD/tấn, còn giá gạo xuất khẩu chạm mức cao nhất trong 11 năm.

Trong khu vực châu Á, Philippines dường như dễ chịu tác động từ giá thực phẩm cao, theo phân tích của chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn Nomura. Nhập khẩu thực phẩm ròng chiếm khoảng hơn 2% tổng GDP của nước này.

Trong khi đó, báo cáo từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào đầu năm nay ước tính nhu cầu gạo toàn cầu sẽ tăng khoảng 30% vào thời điểm năm 2050. Các chuyên gia Nomura cũng cùng chung quan điểm này.

Tăng trưởng sản lượng gạo tại nhiều nước châu Á giảm đi dưới tác động của thời tiết cực đoan. Ngoài ra, đầu tư công vào sản xuất lúa gạo hạn chế, việc nghiên cứu và phát triển chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Khoảng cách chênh lệch cao giữa nhu cầu và cung ứng gạo sẽ khiến cho giá gạo bị đẩy cao trong khoảng thời gian từ trung đến dài hạn”, chuyên gia thuộc Nomura nhấn mạnh trong báo cáo nghiên cứu.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Dự báo gần đây nhất từ Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI) về khí hậu và xã hội tại đại học Columbia cho thấy El Nino, hiện tượng thời tiết ấm lên đi kèm với bão lụt hoặc hạn hán tại nhiều khu vực, sẽ kéo dài tại Bắc Bán cầu trong suốt mùa đông năm nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng này sẽ rất gay gắt.

Chuyên gia Thái Lan dự báo El Nino sẽ làm gián đoạn mùa mưa và ảnh hưởng đến giai đoạn thu hoạch vào tháng 11/2023.

Điều kiện thời tiết cực đoan đang làm gián đoạn hoạt động cung ứng gạo. Nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, một nước xuất khẩu gạo lớn, đã trải qua mưa lớn trong tháng 7/2023. Lũ lụt đã lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất gạo.

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI) - ông Mamun Abdullah dự báo thời tiết bất thường sẽ tạo ra nhiều biến động giá cả thậm chí kéo dài đến tận mùa vụ tiếp theo.

Ảnh hưởng đến cuộc sống của người tiêu dùng và lạm phát

Chuyên gia Abdullah nhấn mạnh, nỗi lo lạm phát cao và biến động giá cả đã ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch gạo trong một thời gian, xét đến biến động của nhiều loại thực phẩm hàng hóa khác ví như bột mì tính từ khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng phát.

“Kinh nghiệm của chúng tôi từ cuộc khủng hoảng giá thực phẩm năm 2008 (khi Ấn Độ áp quy định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường và sau đó áp thuế 20%) cho thấy phản ứng của thị trường cũng hoàn toàn dễ hiểu”, ông Abdullah nói.

Còn theo nghiên cứu của IFPRI, khi mà các nước xuất khẩu lớn cố gắng bảo vệ giá nội địa bằng việc hạn chế xuất khẩu, kết quả họ lại tạo ra thêm biến động giá thế giới.

Theo Ngọc Diệp/thitruongtaichinhtiente.vn