Xuất khẩu lao động: Siết chặt quản lý để giữ thị trường
Tín hiệu ở những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam được cho là khá khả quan. Tuy nhiên, để giữ vững những thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội siết chặt quản lý.
Tín hiệu khả quan
Việc lao động bỏ hợp đồng là nguyên nhân chính khiến phía Đài Loan dừng tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ và lao động giúp việc gia đình của Việt Nam hơn 10 năm qua. Hiện vẫn còn khoảng 22.000 lao động ở thị trường này bỏ trốn chưa về nước. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là ngày 15/7 vừa qua, phía Đài Loan đã cấp phép lại cho Việt Nam đưa lao động giúp việc gia đình, thuyền viên tàu cá sang Đài Loan. “Dự kiến tới đây, khi 2 bên thực hiện việc gửi và tiếp nhận lao động thì tổng số lao động Việt Nam sang Đài Loan sẽ gia tăng nhanh”, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nói.
Hiện, các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Malaysia vẫn được đánh giá là những thị trường trọng điểm. Nhận định về những thị trường này, ông Nam cho rằng, mặc dù Malaysia và Ả rập Xê út đang có sự sụt giảm về lao động do không hấp dẫn so với Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc không đòi hỏi trình độ cao và nhu cầu tiếp nhận lớn, khiến Malaysia và Ả rập Xê út vẫn được coi là thị trường phù hợp với lao động Việt Nam.
Trong khi đó, Nhật Bản được nhận định là thị trường có nhu cầu gia tăng lớn về lao động thời gian tới, do Nhật Bản đang chuẩn bị cho thế vận hội Olympic tổ chức năm 2020, đòi hỏi lượng lớn lao động về xây dựng và đóng tàu. Chính phủ Nhật Bản đang xây dựng chính sách nâng thời gian cư trú tại Nhật Bản cho thực tập sinh 2 ngành này trong vòng 5 năm, đồng thời cho phép tiếp nhận trở lại thực tập sinh 2 ngành này sau khi trở về nước.
Tăng cường quản lý
Mặc dù tín hiệu khả quan từ Đài Loan là mở cửa trở lại cho giúp việc gia đình và đây cũng là nghề có mức lương khá cao với người lao động, nhưng yêu cầu của nghề này cũng rất cao, bởi có tới 80% gia đình thuê giúp việc gia đình để chăm sóc người già có bệnh.
“Do vậy, việc đào tạo người lao động không đơn thuần là quét dọn, nấu nướng, mà phải có kiến thức như những y tá, hộ lý. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có chính sách kiểm soát, đánh giá và giám sát quy trình đào tạo của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ kỹ thuật và Xuất nhập khẩu (Techsimex) nói.
Cũng theo bà Thanh, mặc dù Việt Nam có tới hơn 40 thị trường xuất khẩu lao động, nhưng trước những tín hiệu mới của các thị trường trọng điểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên kết hợp với Hiệp hội Xuất khẩu lao động, trong đó có đại diện các doanh nghiệp cung ứng lao động của cùng một thị trường, bàn bạc để thống nhất biện pháp quản lý lao động ở mỗi thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) lưu ý, môït số thị trường lao động chấp nhận môi giới như thị trường Đài Loan. Doanh nghiệp chúng ta mặc dù có thống nhất mức phí nhằm ổn định thị trường, nhưng phía công ty môi giới liên tục đòi hỏi nhiều vấn đề khác nhau. “Do đó, việc chuẩn hóa hợp đồng, các doanh nghiệp cùng dùng một mẫu hợp đồng, sẽ đảm bảo quyền lợi không chỉ cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Bà Trần Thị Minh Thu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bách nghệ Toàn cầu (Glo-Tech), bày tỏ lo ngại, tại một số thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm tình trạng lao động trốn ở lại có xu hướng tăng. Bên cạnh tình trạng trốn ở lại, tại các thị trường lao động khu vực Trung Đông như Ả rập Xê út, phát sinh nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa người lao động với chủ, nhất là ở khối lao động giúp việc gia đình. Bà Thu đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên tăng cường cán bộ đại diện tại các thị trường này để xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc phát sinh, đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu lao động.