Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 17,8 tỷ USD
Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh tín hiệu khả quan của cà phê, tiêu, điều, thủy sản… mặt hàng gạo, sắn, cao su gặp nhiều khó khăn.
Tăng thu từ cà phê, tiêu, điều
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực nhất trong “rổ” hàng hóa ngành nông lâm thủy sản thời gian qua chính là ngành hàng cà phê, tiếp đó là thủy sản, điều… Mặt hàng gạo, sắn, cao su vẫn ảm đạm, có dấu hiệu tụt giảm.
Thống kê trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu mặt hàng cà phê ước đạt 1,13 triệu tấn, giá trị gần 2 tỷ USD, tăng 38% về khối lượng và tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn về giá xuất khẩu, bình quân trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1.735 USD/tấn, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Về thị trường, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, với thị phần lần lượt 15,5% và 13%. Cùng đó, những thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam tăng mạnh là Philippines gần 64%, Trung Quốc trên 53% , Angiêri hơn 53%, Hoa Kỳ cũng tăng gần 40%, Đức trên 23% và Nhật tăng 14%...
Trong nhóm hàng nông nghiệp, mặt hàng điều, tiêu cũng đạt mức tăng khả quan. Theo đó, trong 7 tháng qua, ngành điều xuất khẩu đạt gần 190 nghìn tấn, giá trị 1,46 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 7.700 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 33,6%, 13,3% và 13,2% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Còn mặt hàng tiêu xuất khẩu cũng đạt trên 122 nghìn tấn, giá trị gần 990 triệu USD, tăng trên 26% về lượng và trên 9% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Thực ra, giá trị thu về chưa tương ứng với khối lượng xuất khẩu là do giá tiêu xuất khẩu giảm, trung bình khoảng 8.082 USD/tấn, giảm khoảng 13 % so với cùng kỳ năm 2015.
Một tín hiệu cũng đáng mừng khác, là ngành thủy sản giảm mạnh trong năm 2015 đã có những dấu hiệu phục hồi khi giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt tới 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong nửa đầu năm nay, khi chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Ngoài ra, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng đạt 3,8 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 - chiếm 68% tổng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo giảm
Trái với những tín hiệu lạc quan từ đầu năm, ngành lúa gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn về hạn, mặn, số lượng lẫn giá trị xuất khẩu cũng giảm mạnh. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng hạ mục tiêu xuất khẩu trong năm nay.
Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ước đạt 2,93 triệu tấn và 1,32 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và giảm 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, giá gạo xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm nay đạt 451 USD/tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 với 35% thị phần. Sáu tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt trên 910 triệu tấn và 420 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm.
Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 chiếm 11,6% thị phần. Nhờ những hợp đồng ký dịp cuối năm ngoái, nên xuất khẩu gạo thị trường này nửa đầu năm 2016 đạt 350 triệu tấn và 140 USD, tăng 35% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng đó, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn cũng giảm mạnh, khi xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay ước đạt 2,31 triệu tấn và giá trị 615 triệu USD, giảm gần 20% về lượng, gần 30% về giá trị so cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính trong 6 tháng đầu năm 2016 (chiếm tới trên 85% thị phần), nhưng giảm tiêu mạnh, tới giảm tới 23,5% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Cùng mạch giảm kim ngạch của các mặt hàng trên, ngành hàng cao su, chè, dù xuất khẩu khối lượng tăng, nhưng giá giảm mạnh, nên giá trị thu về giảm so cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, xuất khẩu cao su trong 7 tháng qua đạt trên 560 nghìn tấn, giá trị 705 triệu USD, tăng 8,8% về khối lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Thực tế, giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1.241 USD/tấn, giảm tới 15% so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm này, chiếm trên 60% thị phần.
Còn mặt hàng chè, xuất khẩu đạt khoảng 69 nghìn tấn, giá trị 110 triệu USD, tăng gần 5% về lượng nhưng giảm trên 2% về giá trị.