Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt hơn 38 tỷ USD

Gia Hân

9 tháng năm 2023, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Giá xuất khẩu của gạo tăng cao, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.
Giá xuất khẩu của gạo tăng cao, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại cuộc họp báo quý III, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD. Trong đó, nhóm thuỷ sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%.

Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng. Cụ thể, nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.

Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính như cao su, chè, hạt điều, hồ tiêu giảm. Riêng giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn) và cà phê 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%.

Bộ NN&PTNT cho biết, về thị trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%; châu Đại Dương 570 triệu USD, giảm 18,6%.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Mỹ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2023, ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành là 3,0 - 3,5%. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản khoảng 53 - 54 tỷ USD.

Do đó, để hoàn thành các mục tiêu chung đã đề ra cũng như mục tiêu về xuất khẩu, từ nay đến cuối năm 2023, toàn Ngành sẽ phải theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023; đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin rằng, đối với lĩnh vực thuỷ sản, tập trung  kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu trong tháng 10/2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, ngành NN vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Toàn ngành Nông nghiệp ghi nhận tăng trưởng toàn diện, tương đối cao, phát huy vai trò là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, năm 2023, ngành NN&PTNT sẽ về đích ngoạn mục.