Xuất khẩu nông sản chủ động lách “khe cửa hẹp”
Động thái phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc mới đây cùng với diễn biến ảm đạm của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế toàn cầu” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 16/9.
Phân tích của TS Nguyễn Trung Kiên – Bộ môn thị trường và ngành hàng thuộc IPSARD cho thấy, động thái phá giá 4,6% đồng NDT hồi tháng 8/2015 của Trung Quốc đã kéo theo nhiều tác động xấu tới thị trường tài chính thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đối tác lớn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chỉ tính riêng tám tháng đầu năm 2015, Trung Quốc chiếm tới 36,7% tổng giá trị xuất khẩu gạo, 47% giá trị xuất khẩu cao su, 36,2% giá trị xuất khẩu rau quả, đồng thời cung cấp tới 55% thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho Việt Nam. Mặc dù vậy, báo cáo phân tích của IPSARD chỉ ra rằng, trong tám tháng đầu năm, tất cả những mảng sáng về xuất khẩu nông sản của Việt Nam đều vắng bóng thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có chiều giảm cả về sản lượng và giá trị do Trung Quốc giảm nhu cầu nhập, trong đó xuất khẩu gạo tám tháng đầu năm 2015 giảm 8% về lượng, 13% về giá trị.
Trước động thái phá giá nội tệ của Trung Quốc, Mỹ rục rịch tăng nhẹ lãi suất để ổn định thị trường nội địa, còn các nước khác phản ứng khá dè dặt. Tuy nhiên, báo cáo phân tích sâu hơn của IPSARD cho thấy, diễn biến trên thị trường tài chính Trung Quốc chỉ là một đợt sóng nhỏ trong chuỗi những tác động trên thị trường thế giới. Cụ thể, trong 3 năm vừa qua, đồng euro giảm giá 20%, đồng yên Nhật giảm 39%, đồng won Hàn Quốc giảm 11% so với USD. “Đáng chú ý là các nước đang phát triển - những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nông sản Việt Nam như Brazil, Colombia đã có bước phá giá đồng tiền mạnh mẽ hơn để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, gây áp lực trực tiếp đến nông sản Việt Nam” - TS Nguyễn Trung Kiên chỉ rõ.
Theo dự báo, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới do đó động thái thả nổi tỷ giá của nước này hiện nay sẽ còn gây bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế và tác động tiêu cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Cùng với đó, cánh cửa vươn ra thị trường thế giới cũng có xu hướng hẹp lại do có sự cạnh tranh của một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho thấy viễn cảnh không mấy sáng sủa của xuất khẩu nông sản, khi giá nhiều mặt hàng có chiều hướng giảm trong những năm tới đây.
Đại diện cộng đồng DN, ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas) cho rằng, để đứng vững được trong bối cảnh tác động của kinh tế thế giới, Bộ NN&PTNT cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn xuất khẩu được, quan trọng nhất là phải tạo ra sản phẩm có tính đồng nhất cao. Đồng thời linh hoạt điều chỉnh chính sách trước diễn biến của thị trường, chuẩn bị gói hỗ trợ tín dụng (khoanh nợ, giãn nợ) cho DN khi có biến động xấu.
Theo TS Nguyễn Trung Kiên, trong ngắn hạn Việt Nam cần tận dụng cơ hội khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế vào thị trường Mỹ như: thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… do USD còn ở mức giá cao. Bên cạnh đó, cần nối kết nhanh chóng để có thể có được các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay. Về dài hạn, phải tiến hành đẩy mạnh cải cách thể chế, thông qua việc hình thành các hội đồng ngành hàng cho các mặt hàng chiến lược, phân cấp trao quyền trong quản lý thị trường, quản lý quỹ hỗ trợ DN nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.