Xuất khẩu rau quả bứt phá hướng tới mục tiêu 2,6 tỷ USD trong năm nay
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây có sự gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, năm 2005, rau quả đã xuất khẩu và có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD; đến năm 2015, số thị trường thâm nhập được đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782% so với năm 2005. Vẫn trên đà đi lên, trong 8 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đã đạt 1,7 tỷ USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt gạo
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, tốc độ xuất khẩu rau quả từ tháng Sáu đến nay có tín hiệu rất tốt.
“Bình quân chung, tăng trưởng xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay khoảng 37%/tháng. Trong năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và cán mốc khoảng 2,5-2,6 tỷ USD/năm, góp phần bù đắp cho mức tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm nay,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đánh giá đà tăng trưởng của mặt hàng này, vị “Tư lệnh” ngành nông nghiệp cũng cho rằng, xuất khẩu rau quả tăng trưởng không những trở thành động lực thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập và thay đổi nhận thức trong tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…
Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zeland... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vải thiều, xoài của Việt Nam đã đến được thị trường Australia, Mỹ và sắp tới thanh long Việt Nam cũng sẽ có mặt tại Australia.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, chuyên gia tư vấn thị trường, Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế, Tập đoàn AIC – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, việc khơi thông những thị trường khó tính mang lại “lợi ích kép” khi vừa tránh cho rau quả phụ thuộc vào một thị trường, vừa giúp cho người nông dân thay đổi thói quen, phương thức sản xuất, chuyển từ bán cái mình có sang bán những gì thị trường cần.
“Đây cũng là hướng đi tất yếu mà ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nông sản nói riêng cần hướng tới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới,” ông Ngọc nói.
Tiềm năng xuất khẩu rau quả
Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, trái cây Việt Nam ngày càng có mặt tại những thị trường khó tính, từ đó cũng đòi hỏi chất lượng ngày càng phải tăng cao.
“Sắp tới Cục Bảo vệ thực vật sẽ nghiên cứu nhu cầu của các thị trường và tập trung chủ yếu vào những thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn và có giá trị cao. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật sẽ khai thác các thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN và Trung Quốc… với mỗi thị trường cần phải có giải pháp riêng để xuất khẩu để hiệu quả cao hơn,” ông Hà cho biết.
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long cũng cho rằng, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn trong tương lai, khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt giá trị khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo sẽ đạt 319 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với ngành rau quả hiện nay là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Do đó, các chuyên gia cũng nhận định, để xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, các doanh nghiệp cần bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường.