Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc có khả quan hơn vào những tháng cuối năm?
Thị trường chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc quyết liệt áp dụng chính sách “Zero COVID”, đã kéo kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm đến 34%.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu rau quả tháng 7/2022 đạt 256,630 triệu USD, giảm 1,2% với tháng trước và giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,935 triệu USD giảm 15,6 % so với cùng kỳ 2021.
Xuất sang Trung Quốc giảm 34%
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả tháng 7/2022 ước đạt 176,894 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng 6/2022, và tăng 28,4 % so với tháng 7/2021. Cộng 7 tháng nhập khẩu rau quả ước đạt 1,061 triệu USD tăng 28,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, tháng 7/2022 rau quả xuất siêu ước đạt 79,736 triệu USD, và 7 tháng đầu năm rau quả xuất siêu khoảng 875,076 triệu USD. Mức xuất siêu 7 tháng đầu năm nay tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm nay, châu Á là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Trong top 5 thị trường có đến 4 thị trường thuộc châu Á, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan và Hoa Kỳ.
Cũng trong 5 thị trường này có đến 4 thị trường tăng trưởng xuất khẩu, tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này có xu hướng giảm, do trị giá xuất khẩu sang thị trường lớn nhất Trung Quốc giảm đến 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể:
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 799,695 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021 và 47.62% thị phần.
Thị trường Hoa Kỳ lớn thứ hai với kim ngạch đạt 136,841 triệu USD, tăng 24% và chiếm 8.15% thị phần. Thứ ba thị trường Hàn Quốc đạt 94,544 USD, tăng 15,38% và chiếm 5.63% thị phần.
Nhật Bản là thị trường thứ tư với kim ngạch đạt 83,223 triệu USD, tăng 5% và chiếm 4.96% thị phần và thứ năm là Thái Lan với 65,901 triệu USD, tăng 4,53% và chiếm 3.92% thị phần.
Trong top 5 thị trường nhập khẩu rau quả, Trung Quốc ở vị trí đầu bảng, trong 6 tháng đầu năm nay nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 315,009 triệu USD, chiếm 35.62% thị phần. Thứ hai là Hoa Kỳ với 144,633 triệu USD, chiếm 16.36% thị phần, Úc đứng thứ ba với 82,242 triệu USD, chiếm 9.30% thị phần, thứ tư và thứ năm là Myanma và New Zealand …
Xuất khẩu rau quả năm nay ước giảm 10 – 15% so với năm 2021
Mặc dù trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả giảm hai con số so với cùng kỳ, nhưng theo Cục XNK, nửa cuối năm 2022, xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn vì thị trường Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực và hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền thuận lợi hơn.
Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có nhiều triển vọng tăng trưởng, do nhu cầu tiêu thụ rau quả của thị trường này sẽ tăng mạnh. Tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu trong thời gian tới.
Cụ thể, từ 01/7/2022, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc; ngày 11/7/2022 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên - Tổng thư ký Vinafruit cho biết, đối với trường hợp chanh leo, do phía Trung Quốc chỉ cho xuất khẩu thí điểm chanh leo vào tỉnh Quảng Tây, và xem xét tình hình quản lý vùng trồng, dịch bệnh, ... của Việt Nam như thế nào và lấy đó làm cơ sở chuẩn bị ký Nghị định thư chính thức, khi đó chanh leo mới được xuất bất kỳ nơi đâu trong đất nước Trung Quốc, còn hiện nay chỉ được vào tỉnh Quảng Tây.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành hàng này vẫn chưa thể bứt phá trong năm nay, nếu Trung Quốc chưa dỡ bỏ chính sách “Zero COVID”, xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Vẫn theo Tổng thư ký Vinafruit, do Trung Quốc quyết liệt áp dụng chính sách “Zero COVID” đã làm cho tốc độ giao nhận hàng hóa không riêng gì Việt Nam mà các nước xuất khẩu vào Trung Quốc đều bị ảnh hưởng, nên lượng hàng hóa vào nước này sụt giảm mạnh.
Từ nay đến cuối năm nếu Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID” thì xuất khẩu rau quả sang thị trường này khó tăng, thậm chí sụt giảm, và kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể sẽ giảm khoảng 10% - 15% so với 2021.
“Nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sụt giảm đến 34%, sụt giảm của thị trường này là nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam giảm đến 15,8%. Và dù các thị trường khác có tăng nhưng mức tăng không đáng kể nên khó bù đắp được phần sụt giảm của thị trường Trung Quốc”, Tổng thư ký Vinafruit khẳng định.