Xuất khẩu rút ngắn đà suy giảm
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 5 tháng gần đây, xuất khẩu hàng hoá của cả nước đều đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023. Điều này cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu, rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu tháng 11 tăng tới 6,7% so với cùng kỳ năm trước
Bộ Công Thương cho biết, sau khi đạt mức tăng 5,1% trong tháng 10/2023, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11/2023 mặc dù không giữ được đà tăng trưởng so với tháng trước khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước nhưng tăng tới 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây do được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.
Những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, cầu thế giới suy giảm, đặc biệt là từ những tháng đầu năm dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 274 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tháng 11/2023 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 3,77 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm mạnh trong 11 tháng qua, gồm: dầu thô giảm 15,4%, than đá giảm 50,7%, xăng dầu giảm 7,4%, quặng và khoáng sản khác giảm 12,2%.
Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn về thị trường xuất khẩu
Cũng theo Bộ Công Thương, về cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 1,4%; châu Âu giảm 6,6%; châu Mỹ giảm 12,4%; châu Phi tăng 3,7%; châu Đại dương giảm 2,7%.
Trong 11 tháng năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88,05 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 75,45 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%. Đây là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: EU giảm 8,1%, ước đạt 39,89 tỷ USD và xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 11,1%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 29,4 tỷ USD, giảm 6,2%; đồng thời, nhập siêu từ ASEAN ước đạt 8,1 tỷ USD, giảm 31,3%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 4%; đồng thời, nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 26,3 tỷ USD, giảm 25,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 21,2 tỷ USD, giảm 4,3% và xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 127,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 7,3%, ước đạt 7,2 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 3,7%..., cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Để phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; chú trọng công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước...